(HNM) - Phần lớn chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Trong bối cảnh số người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng, chi phí ngày càng lớn, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Không may bị mắc bệnh nặng, ông Đinh Công Bùi, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) liên tục phải nhập viện điều trị. Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, quá trình khám, chữa bệnh của ông thuận lợi hơn nhiều. Toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh của ông tính đến thời điểm này là 660 triệu đồng đều do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. “Nếu không có bảo hiểm y tế, không biết cuộc sống của tôi và gia đình sẽ đi về đâu”, ông Bùi chia sẻ.
Là người thường xuyên đưa con gái đi điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương bằng thẻ bảo hiểm y tế, bà Nguyễn Thị Hồng, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), cho hay: “Những bệnh nhân mắc các bệnh về máu - có thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, đa số đều là đối tượng được hưởng lợi từ bảo hiểm y tế”.
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, số người có nhu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội ngày càng tăng. “Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố có 9 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số tiền các cơ sở y tế đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán là gần 16.000 tỷ đồng. Như vậy, tốc độ gia tăng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm 2020 cao hơn khoảng 10,2% so với năm 2019”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho hay.
Trên phạm vi cả nước, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 cũng tăng so với những năm trước. Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc, từ đầu năm đến nay, kinh phí chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là hơn 93.000 tỷ đồng, bằng 92% dự toán chi. Một số địa phương đã chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt dự toán năm 2020, như: Bắc Giang, Cần Thơ, Kiên Giang.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế xuất phát từ tính hấp dẫn của chính sách này. Số người tham gia bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước (hiện đạt tỷ lệ bao phủ 89,2% dân số, tương ứng với 87 triệu người) nên số người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng nhiều. Ngoài ra, danh mục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng - trong đó nhiều dịch vụ chất lượng cao, chi phí tốn kém được bảo hiểm y tế chi trả, cũng khiến mức chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc tăng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm y tế, nên các bên liên quan cần có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2021, chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành, thì nguồn kinh phí chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ tiếp tục tăng.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã, đang phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm nguồn quỹ được sử dụng công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 cao để có hướng giải quyết trong thời gian tới…
Chuẩn bị cho công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm thông tuyến tỉnh từ ngày 1-1-2021, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám chữa bệnh ban hành quy định về cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh; giao Sở Y tế các tỉnh, thành phố nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã để người dân yên tâm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gần nơi cư trú, hạn chế tình trạng quá tải cho tuyến trên cũng như phát sinh chi phí khám, chữa bệnh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.