(HNM) – Khác xa với giới
Theo một kết luận của Hiệp hội Bảo vệ môi trường Italia (Legambiente) công bố mới đây, mafia ngày càng giàu hơn từ các hoạt động phi pháp liên quan đến môi trường, như kinh doanh các bãi rác lậu lộ thiên, buôn lậu rác độc hại hay kinh doanh thực phẩm trái phép trong các khu vực bị ô nhiễm môi trường. Công việc này dường như vẫn tiến triển, cho dù trước đó, Quốc hội Italia đã thông qua đạo luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó quy định các mức hình phạt nặng hơn cho tội danh gây ô nhiễm môi sinh. Đạo luật này, được báo chí Italia gọi là "Luật chống mafia môi trường", nhằm đối phó với tình trạng các băng nhóm mafia kiểm soát việc xử lý rác thải trái phép ở khu vực miền Nam nước này, gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường và cuộc sống người dân.
Báo cáo của Legambiente cho biết, bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, ở Italia vẫn xảy ra gần 30.000 vụ vi phạm luật môi trường trong năm 2014, trong đó trung bình mỗi ngày xảy ra 80 vụ, chủ yếu ở 4 vùng "truyền thống" như: Sicily, Campania, Puglia và Calabria - chiếm khoảng 1/2 tổng số vụ vi phạm. Theo Legambiente, những hoạt động phi pháp của các băng đảng mafia ở Italia đã đem lại doanh thu ước tính lên tới 22 tỷ euro trong năm 2014 cho các tổ chức này, cao hơn 7 tỷ so với năm 2013. Những số liệu thống kê của Legambiente và phân nhánh bảo vệ môi trường của lực lượng quân cảnh Italia cho thấy, số vụ kinh doanh bãi đổ rác thải độc hại trái phép đã tăng 26% so với năm 2013, khi hơn 3,5 triệu tấn rác thải công nghiệp bị phát hiện. Trong đó, vùng Puglia ở miền Nam Italia là khu vực xảy ra nhiều vi phạm về môi trường nhất, chiếm 28,7% tổng số vụ. Bên cạnh đó, vùng Campania, nơi có "miền đất lửa" đã trở nên nổi tiếng ở Italia và thế giới trong thời gian qua sau khi hàng loạt bãi rác lậu do mafia kiểm soát bị phát hiện, chôn giấu hàng triệu tấn rác thải công nghiệp.
Thực tế, các băng nhóm mafia từ lâu đã thâm nhập hệ thống thu hồi và xử lý rác thải của các thành phố miền Nam, đặc biệt là Napoli, thu mỗi năm hàng chục tỷ euro nhờ việc chôn chất thải trái phép trong các khu vực, kể cả đất nông nghiệp. Về nguyên tắc, việc thu gom rác thải thành phố cũng như công nghiệp phải qua quá trình xử lý phức tạp và tốn kém, song các băng mafia đã nhận thầu thu gom rồi đốt lộ thiên hay chôn ngay xuống đất. Việc "mafia môi trường" chôn, đốt hàng triệu tấn rác thải chưa qua xử lý đã hình thành nên "quả bom nổ chậm" về ô nhiễm môi trường, khiến tỷ lệ người bị ung thư ở khu vực xung quanh tăng cao bất thường so với mức trung bình. Nhiều người thường coi thảm họa cháy rừng là do thiên tai hoặc tai nạn ngẫu nhiên… nhưng các nhà điều tra khẳng định không hẳn vậy. Trong tổng số gần 60.000ha cả rừng phòng hộ lẫn nguyên sinh bị "bà hỏa" viếng thăm trong năm 2011, đa phần đều có bàn tay của "mafia môi trường". Chúng cố ý đốt rừng nhằm tạo ra những "mặt bằng" tan hoang để lại sau mỗi đám cháy, rồi tìm cách mua lại với giá rẻ mạt hòng xây cất các công trình dễ kiếm lời. Rõ ràng đây là cách rửa tiền rất tinh vi. Trong khi người dân và môi trường lãnh hậu quả nặng nề thì các băng nhóm mafia lại thu về những khoản tiền kếch xù.
Việc tìm kiếm lợi nhuận bất chấp sự tàn phá môi sinh gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế quốc dân thực sự đang là thách thức cho Chính phủ Italia trong cuộc chiến chống lại sự biến hình của mafia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.