Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống trên miệng "hà bá"

Gia Bảo| 14/08/2015 06:26

(HNM) - Mỗi năm tại TP Hồ Chí Minh xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhân dân. Thế nhưng, rất đáng nói là việc thực hiện các dự án chống sạt lở vẫn rất manh mún, không phát huy hiệu quả.


Kinh phí hạn hẹp


Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 10 vụ sạt lở tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Quận 2 và Thủ Đức, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, cuốn trôi hàng nghìn mét khối đất đá bờ bao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. "Hằng năm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều xảy ra các vụ sạt lở xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thế nhưng, để có giải pháp mang tính tổng thể và bền vững thì thành phố đang vướng cả trăm thứ…", một vị lãnh đạo ngành GTVT của thành phố cho biết.

Nhà cửa tan hoang chỉ sau một đêm bên bờ sông Giồng Ông Tố.



Ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh nói với chúng tôi: Các công trình bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố đa phần cục bộ, manh mún nên chưa phát huy hiệu quả một cách tổng thể. Trong khi hằng năm, thành phố đều bố trí ngân sách ưu tiên cho việc xây dựng các dự án mang tính cấp bách nhưng do kinh phí hạn hẹp nên việc thực hiện rất chậm, thậm chí nhiều dự án chỉ đủ kinh phí thực hiện các công trình mang tính tạm thời nên dễ xảy ra sạt lở. Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) của quận, huyện rất chậm chạp, khiến cho nhiều công trình kéo dài từ năm này sang năm khác làm ảnh hưởng đến giá vật tư, nhân công… dẫn đến việc phải điều chỉnh quy mô của dự án đầu tư và tổng mức đầu tư, thậm chí phải điều chỉnh lại thiết kế. Trong khi, việc xã hội hóa đầu tư để thu hút kinh phí từ các nguồn lực xã hội rất khó khăn, bởi do công trình xây dựng kè bờ đặc thù là công trình công cộng, hoàn toàn không mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.

Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT), tình trạng xây cất lấn sông, kênh, rạch, hồ chứa nước đã thu hẹp dòng chảy làm gia tăng lưu tốc dòng chảy, biến đổi dòng chảy cục bộ gây xói lở. Đồng thời, việc san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông và trên hành lang bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng sát bờ sông tạo áp lực gây sạt lở. Quá trình khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn ở khu vực các vùng phụ cận làm thay đổi chế độ dòng chảy của sông, gây mất cân bằng bùn cát và tập quán của người dân với cuộc sống gắn liền với sông nước đã làm gia tăng tải trọng lên đường bờ kênh cũng dẫn đến sạt lở.

Điều đáng nói, do nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách nên việc thực hiện di dời dân cư cũng như triển khai các dự án rất khó khăn. Cụ thể, các tuyến đường thủy tại TP Hồ Chí Minh do Trung ương quản lý dù thành phố muốn làm tốt cũng khó bởi không đủ thẩm quyền. Cụ thể, trên tuyến kênh Tẻ (chạy qua địa bàn Quận 1, 4, 7 và 8), đang có hàng trăm hộ dân sống tạm bợ và không biết sập bất cứ lúc nào. Ngược lại, tại những tuyến kênh do TP Hồ Chí Minh quản lý như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, đều được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới làm thay đổi bộ mặt đời sống hàng triệu cư dân dọc tuyến kênh. Có thể nói, việc quản lý theo kiểu "nửa vời" như tuyến kênh Tẻ khiến cho việc quy hoạch xây dựng rất khó thực hiện. "Do đó, nên chăng đối với những tuyến kênh tương tự như kênh Tẻ, kiến nghị Trung ương giao hẳn cho TP Hồ Chí Minh quản lý", ông Trần Văn Giàu đề xuất.

Chậm giải phóng mặt bằng

Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh, việc giải tỏa mặt bằng là vấn đề bức xúc nhất và nguyên nhân hàng đầu làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Thậm chí có những công trình duyệt thiết kế xong 2 đến 3 năm, nhưng vẫn không thực hiện được do chậm GPMB. Cụ thể, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 5 dự án xây dựng kênh bảo vệ bờ sông, kênh, rạch tại huyện Bình Chánh, Nhà Bè và quận Bình Thạnh đều đang bị vướng mặt bằng. Tại quận Bình Thạnh, dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa - đoạn 1.4 từ hạ lưu Cầu Kinh đến bờ kè Công đoàn, giải tỏa gần 18.000m2 với 133 hộ dân, đến nay còn vướng 28 hộ. Theo Ban Bồi thường GPMB quận Bình Thạnh, thời gian qua, UBND quận Bình Thạnh và Ban Bồi thường GPMB quận thường xuyên họp với Hội đồng Thẩm định bồi thường thành phố để xem xét hỗ trợ thêm cho các hộ dân này theo Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, hỗ trợ thêm 20% cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay các hộ này vẫn không đồng tình với chính sách hỗ trợ trên và giữ nguyên yêu cầu giải quyết bồi thường 100% đơn giá đất ở. Vì thế, dù thời gian thực hiện dự án từ năm 2012, nhưng đến nay khối lượng thực hiện mới đạt khoảng 44%.

Tại huyện Bình Chánh, công trình xây dựng kè bảo vệ bờ sông khu vực ngã ba sông Bến Lức - kênh Xáng Lý Văn Mạnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Với quy mô thực hiện dự án hơn 2.500m, giải tỏa 18 hộ dân nhưng đến nay Ban Bồi thường GPMB huyện vẫn phải chờ UBND thành phố thông qua đơn giá bồi thường mới có thể tiến hành các bước tiếp theo. Trong khi, tại huyện Nhà Bè, công trình chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Lộc dài gần 250m đang bị vướng 21 hộ dân; công trình chống xói lở bờ sông khu vực cầu Long Kiểng dài 220m kè vướng 26 hộ dân; công trình xây dựng bảo vệ chống sạt lở bờ sông khu dân cư xã Phước Kiểng chiều dài 630m, khởi công tháng 7-2013 nhưng đến tháng 2-2014 phải tạm ngưng thi công chờ GPMB. Công tác GPMB tại huyện Nhà Bè rất chậm do chưa thống nhất được đơn giá bồi thường…

Ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh cho biết: Theo kế hoạch vốn năm 2015, UBND thành phố giao gần 210 tỷ đồng, tuy nhiên 5 dự án đang bị vướng trên đã chiếm gần 30% kế hoạch vốn được giao.

Đâu là giải pháp?

Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở GTVT đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện và sở, ngành liên quan tổ chức sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là thời điểm bước vào cao điểm mùa mưa và triều cường; đồng thời thông báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi diễn biến sạt lở; bố trí vốn kịp thời để Sở GTVT triển khai các dự án cấp bách chống sạt lở; đẩy nhanh công tác đền bù, GPMB, tránh tình trạng dự án kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả các dự án xây dựng kè bảo vệ bờ. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét, khai thác cát trên sông, xử lý kiên quyết các trường hợp trái phép... Về lâu dài, Sở GTVT đề nghị UBND thành phố quy hoạch xây dựng đồng bộ hạ tầng các tuyến kè bảo vệ hành lang hai bên bờ sông, kênh, rạch; trong đó vấn đề bố trí vốn và GPMB được xem là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của việc xây dựng các dự án. Song song với đó là hoàn thiện công tác quy hoạch các khu tái định cư, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sống trên miệng "hà bá"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.