(HNM) - Ngày 21-11, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) gửi công văn tới cơ quan chức năng khiếu nại một số trang web vi phạm bản quyền sau khi đã hết hợp đồng sử dụng các bản thu âm với RIAV vào tháng 7-2013 nhưng vẫn tiếp tục sử dụng. Vụ việc sẽ được làm rõ trong nay mai, tuy nhiên đây cũng có thể xem là một hồi chuông cảnh báo về vi phạm bản quyền.
Họa sĩ Đào Hải Phong từng lên tiếng trên các phương tiện truyền thông tố cáo việc tranh của anh bị sao chép và bày bán công khai không chỉ tại các gallery trong nước mà còn mang ra cả nước ngoài. Thực ra không riêng Đào Hải Phong, rất nhiều tranh của các họa sĩ có tên tuổi khi ký gửi ở các gallery đã bị sao chép gây bức bối cho người sưu tập vì họ trả tiền để mua "độc bản" nhưng lại có bản thứ hai, thứ ba trên thị trường.
Không chỉ trong hội họa, điêu khắc, âm nhạc cũng là lĩnh vực bị vi phạm bản quyền nhiều nhất. Một MV (music video) âm nhạc phát hành buổi sáng thì buổi chiều đã bị sao chép và bày bán công khai với giá rẻ hơn nhiều lần. Lại có người đưa lên trang web cá nhân để "cả làng nghe cho vui" nhưng thực chất là "xài chùa". Thế nên ca sĩ bỏ mấy trăm triệu đồng làm MV chỉ nhằm một mục đích "đánh bóng tên tuổi", vì về kinh tế có thể nói là lỗ nặng.
Nhiều người nghĩ bộ môn nghệ thuật thứ bảy ít bị vi phạm nhưng thực tế không phải như vậy. Cách đây nhiều năm, bộ phim "Chị em sinh đôi" của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Kim Chi đang phát hành tại Hà Nội thì cùng thời gian đó, phim đã được chiếu ở một tỉnh khác, khiến bà chỉ biết kêu trời. Bây giờ kẻ “đạo phim” không liều lĩnh chiếu công khai nhưng họ in ra đĩa DVD rồi rải tại các quầy băng đĩa khiến nhà sản xuất méo mặt.
Tuy nhiên vi phạm bản quyền trắng trợn nhất chính là sách lậu. Chỉ không lâu sau khi một cuốn sách nào đó phát hành là thị trường đã có sách lậu. Với các cuốn sách bán chạy, sách lậu cũng xuất hiện càng nhiều. Sách lậu được bán rẻ hơn nhiều so với sách thật nên các nhà xuất bản không dám in nhiều sách thật. Tình cảnh đó làm cho nhiều tác giả, dịch giả nản chí vì tiền nhuận sách không đủ mua sách tặng.
Trong Bộ luật Dân sự có hẳn một chương về quyền tác giả, nhưng xem ra các điều luật của chương này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bằng chứng là, tại rất nhiều hội thảo của các hội nghề nghiệp, ý kiến gay gắt của rất nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ về thực trạng vi phạm bản quyền này song kết quả rất hạn chế. Việc RIAV khiếu nại còn có địa chỉ nhưng sách lậu, MV lậu, tranh bị sao chép... người sở hữu bản quyền cũng đành bó tay nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của pháp luật. Hy vọng cơ quan quản lý và pháp lý có biện pháp mạnh hơn, chế tài nghiêm khắc hơn để chấm dứt kiểu sống trên lưng người khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.