Chính trị

Sông Hồng sẽ thành trục trung tâm phát triển Thủ đô

Hà Vũ - Ảnh: Nhật Nam 23/02/2024 18:28

Phát biểu tại phiên thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẽ sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển; trong đó sông Hồng sẽ thành trục trung tâm phát triển.

Chiều 23-2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

img_7066.jpeg
Phiên họp thứ 61 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện lãnh đạo các bộ; lãnh đạo Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội.

5 trụ cột phát triển, 4 khâu đột phá chiến lược

Khai mạc phiên thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là việc mới, việc khó nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

img_7061.jpeg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khai mạc phiên họp.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, thành phố Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Muốn phát triển vững mạnh, Thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước”. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã lưu ý 8 nội dung đề nghị Hội đồng thẩm định xem xét kỹ lưỡng đối với bản Quy hoạch.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quy mô, phạm vi nghiên cứu rất rộng, với tính chất bao quát hầu hết các lĩnh vực, được tích hợp từ nhiều phương án đề xuất của các ngành, lĩnh vực và địa bàn. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập quy hoạch.

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Đó là: Quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến - văn mình - hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc...

img_7062.jpeg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu đề dẫn.

Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm...

Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: (i) Văn hóa và di sản; (ii) Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; (iii) Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; (iv) Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; (v) Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 4 khâu đột phá chiến lược bao gồm: (i) Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; (ii) Phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; đặc biệt là đường sắt đô thị; (iii) Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; (iv) Phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

img_7064-1-(1).jpeg
img_7067-1-(1).jpeg
Các thành viên Hội đồng thẩm định phát biểu.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm...

Trình bày báo cáo đề dẫn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, xác định lập Quy hoạch lần này là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, thành phố đã tiến hành khoa học, khẩn trương, nghiêm túc. UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt cả 2 Quy hoạch là Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; thành lập các Tiểu Ban chỉ đạo lập Quy hoạch. Do Quy hoạch Thủ đô có nội dung lớn, phức tạp, nhiều nội dung tích hợp, đòi hỏi phải có phương pháp triển khai bài bản, khoa học và kỹ lưỡng nên Thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch, được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua. Thành phố đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô. Kết quả đến nay, cơ quan lập Quy hoạch cùng với Liên danh tư vấn đã hoàn thành các nội dung xin ý kiến các bộ, ngành (tháng 11-2023) và đã trình hồ sơ thẩm định Quy hoạch Thủ đô theo quy định (tháng 12-2023).

Tiếp đó, các thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định và các đại biểu tham dự phiên họp đã nêu nhận xét, đánh giá về bản Quy hoạch tập trung nghiên cứu. Cơ quan lập Quy hoạch tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm báo cáo xin ý kiến của Quốc hội và trình phê duyệt theo quy định.

Việc cấp bách cần ưu tiên là bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ, hiện nay, Thành phố Hà Nội đang thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới cho thành phố, đó là: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

“Các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của Hội đồng hôm nay không chỉ giúp hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, mà còn có nhiều gợi ý đối với nhiệm vụ nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, nhiều ý kiến của Hội đồng cũng là những gợi ý rất xác đáng cho Hà Nội trong quá trình triển khai Quy hoạch Thủ đô sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; gợi mở, định hướng cho thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn với “tầm nhìn mới - tư duy mới” để tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” cả trước mắt và lâu dài”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

img_7070.jpeg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu.

Tán thành ý kiến của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm rõ thêm 8 nội dung quan trọng như tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử, từ đó thấy rõ được tính đặc thù riêng có của Hà Nội; khẳng định khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tư duy tầm nhìn chiến lược với triết lý phát triển của Thủ đô với 5 quan điểm chung và dựa trên 5 trụ cột; khẳng định vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; phấn đấu đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghiệp văn hóa, du lịch…; đặc biệt, tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có các giải pháp phù hợp để phát triển.

Hà Nội sẽ sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

“Đặc biệt là phương án phát triển trục sông Hồng - không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, bổ sung nên diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ xác định việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng; nhấn mạnh hơn quan điểm phát triển hài hòa đô thị và nông thôn; hoàn thiện các giải pháp để thực hiện Quy hoạch.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ, Hà Nội xác định còn nhiều việc phải làm để tổ chức bổ sung, hoàn thiện bản Quy hoạch Thủ đô với chất lượng tốt. Đồng thời, sau khi Quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Thành phố sẽ khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch, thực hiện ngay một số dự án, đề án quan trọng với quan điểm “Quy hoạch không phải là một sản phẩm mà là một quá trình”.

“Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, với tình cảm chân thành, tinh thần cầu thị, thành phố Hà Nội luôn lắng nghe và mong các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham góp nhiều ý tưởng, các giải pháp khả thi và đồng hành cùng với Thành phố, góp phần để Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố “Văn hiến -Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, là thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Kết thúc phiên họp, thay mặt Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng đã thông báo kết quả bỏ phiếu, với 31/31 phiếu tán thành, Hội đồng đã thông qua Quy hoạch Thủ đô hà Nội. Các thành viên Hội đồng cũng biểu quyết đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số nội dung Quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Hồng sẽ thành trục trung tâm phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.