Quy hoạch

Tăng phân cấp, ủy quyền quản lý quy hoạch, kiến trúc

Bảo Hân 04/02/2024 - 07:19

Hàng loạt công việc, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được quy định lại theo hướng tăng phân cấp, ủy quyền, giao trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị cấp quận, huyện, thị xã... Những thách thức trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ cấp cơ sở cũng đã được lên phương án giải quyết.

anh-t7.jpg
Phân cấp, ủy quyền trong công tác quy hoạch vùng liên huyện, vùng nông thôn góp phần tạo sự hài hòa trong kiến trúc của địa phương. Trong ảnh: Toàn cảnh xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Đỗ Tâm

Tăng tính chủ động, tháo gỡ vướng mắc

Liên quan đến công tác quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn, từ năm 2011, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định về cấp giấy phép quy hoạch; năm 2024 ban hành các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị; cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị. Sau hơn 10 năm, thành phố đã ban hành Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND thay thế các quy định trên với nhiều điểm mới.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết, điểm mới nổi bật là tăng phân cấp trong công tác quy hoạch, kiến trúc, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền. Với quy định mới, các cơ quan, tổ chức có thể chủ động lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch nông thôn, cắm mốc giới; phê duyệt danh mục các công trình kiến trúc có giá trị, quy chế quản lý kiến trúc...

“Những nội dung quy định tại Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực của chính quyền địa phương và các đơn vị trực thuộc UBND thành phố, từng bước hoàn thiện bộ máy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc giao hoặc ủy quyền cho cơ quan, đơn vị được thực hiện trên nguyên tắc linh hoạt. Một việc có thể nhiều đơn vị tham gia thực hiện, nhưng cũng có những việc chỉ giao cho đơn vị có khả năng thực hiện hiệu quả…”, ông Nguyễn Bá Nguyên nêu.

Từ góc độ quản lý địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải chia sẻ, quy định mới đã giúp quận hoàn toàn chủ động trong quản lý quy hoạch, kiến trúc tại địa phương. “Các quy định mới rút ngắn thời gian giải quyết so với trước đây, do không phải chờ Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, tổng hợp theo định kỳ…”, ông Hoàng Minh Hải nhận định.

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, UBND cấp quận được phân cấp phê duyệt các dự án do quận làm chủ đầu tư hoặc dự án sử dụng vốn ngân sách của địa phương, dự án thuộc địa giới hành chính một quận, huyện, thị xã trong khu vực phát triển đô thị… Như vậy, thời gian thực hiện dự án cũng sẽ được rút ngắn.

Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến nhận định, các đầu việc không tăng nhiều nhưng diện phân cấp và mức độ, yêu cầu quản lý tăng lên. Các quy định về xây dựng quy chế quản lý, phương án kiến trúc, danh mục các công trình có giá trị… được quy định cụ thể, rõ hơn, cùng với yêu cầu quản lý cao hơn.

“Yêu cầu này chắc chắn đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Do đó, để thực hiện tốt việc phân cấp quản lý phải tăng cường năng lực cán bộ và hoàn thiện các đồ án quy hoạch và quy định quản lý kèm theo. Làm tốt hai nội dung này, tiến độ công việc và hiệu quả sẽ bảo đảm theo đúng yêu cầu phân cấp”, ông Phạm Quốc Tuyến khẳng định.

Để giải quyết nội dung quan trọng nhất là khâu nâng cao năng lực cán bộ, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, thực hiện Kế hoạch số 188-KH/TU ngày 6-11-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024-2025, thời gian tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức các quận, huyện, thị xã để giải quyết công việc của địa phương tại sở, đồng thời biệt phái cán bộ của sở về làm việc tại các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tổ chức các lớp hoặc ban hành các tài liệu, cung cấp hồ sơ, hướng dẫn; cử cán bộ làm việc trực tiếp, cụ thể với các quận, huyện, thị xã, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ…

“Chúng tôi đang đề xuất phương án biệt phái ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng để bảo đảm được số lượng, nguồn lực cán bộ và cả các công việc chuyên môn mà cán bộ đang đảm nhận. Các trường hợp này sẽ làm việc tại sở, giải quyết các vấn đề tại địa phương và được hướng dẫn trực tiếp. Cách làm này sẽ mang lại hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ bắt đầu tiếp nhận ngay trong quý I-2024”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nói.

Trước một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn về cung cấp thông tin quy hoạch, thông tin chỉ giới, đặc biệt đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cung cấp thông tin chỉ giới cho hộ gia đình, cá nhân, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể và phối hợp với các đơn vị trong quá trình thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng phân cấp, ủy quyền quản lý quy hoạch, kiến trúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.