(HNM) - Phát triển bền vững là đáp ứng yêu cầu của hôm nay nhưng không ảnh hưởng xấu đến ngày mai. Nói cách khác, doanh nghiệp phải song hành hai yếu tố: Tạo ra lợi nhuận kinh tế đồng thời với việc quan tâm con người, cộng đồng...
Tập đoàn Vingroup là một trong những doanh nghiệp tiên phong phát triển mô hình phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục |
Phát triển trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp
Quan điểm đầu tư bền vững và phi lợi nhuận để hướng đến cộng đồng đã được lãnh đạo Tập đoàn Vingroup chia sẻ tại diễn đàn. Theo bà Dương Mai Hoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cuối tháng 9-2016, Vingroup quyết định chuyển đổi hệ thống Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, tạo bước phát triển quan trọng để xã hội hóa hoạt động y tế và giáo dục.
Vingroup không thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng đã đầu tư vào Vinmec, Vinschool (đến thời điểm hiện tại) và sẽ tiếp tục dành một khoản tài trợ khoảng 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Đại học Quốc tế VinUniversity và Đại học Y Vinmec, theo mô hình phi lợi nhuận của các trường đại học danh tiếng như Harvard, Stanford... nhằm giảm số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam phải ra nước ngoài và thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập.
"Xu hướng phát triển bền vững là con đường tất yếu của doanh nghiệp (DN) và phi lợi nhuận là xu hướng phát triển chung của các DN hướng đến cộng đồng trên thế giới. Chúng tôi mong muốn là DN tiên phong thúc đẩy mô hình phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục và y tế..." - bà Dương Mai Hoa chia sẻ.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đứng trước một cấp độ mới của quá trình hội nhập sâu rộng, DN Việt Nam có cơ hội hoạt động trong môi trường kinh doanh toàn cầu với những chuẩn mực khu vực và quốc tế. Để nắm bắt cơ hội đó, DN Việt Nam phải thay đổi và có sự chuẩn bị chu đáo, không chỉ là xem xét lại chiến lược kinh doanh (tìm hiểu kỹ thị trường, tạo ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp, có chất lượng...) mà còn là thực hành kinh doanh có trách nhiệm; xây dựng, phát huy văn hóa DN với các yếu tố như liêm chính, trách nhiệm, minh bạch, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khác từ cộng đồng và xã hội.
Một "DN bền vững" sẽ có 2 loại giấy chứng nhận: Một là chứng nhận về kinh doanh, hai là sự công nhận từ chính nhân viên, người lao động, đối tác và cộng đồng. Đây chính là giấy thông hành cho DN trên chặng đường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thêm: DN phải tạo ra lợi nhuận kinh tế nhưng cũng phải quan tâm con người và hành tinh này. Đó chính là văn hóa của DN mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.
Khuyến khích đầu tư theo mô hình phi lợi nhuận
Chia sẻ về cách hiểu phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện chưa yên lòng với các chỉ số phát triển bền vững tại Việt Nam vì khái niệm này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng. Một trong những việc cần làm là Chính phủ và các bộ, ngành không "ôm đồm", những gì DN làm được phải để DN làm; và quan trọng là phải tạo môi trường để DN phát triển.
Từ cuối năm 2015, Chính phủ đã cho phép các cơ quan nhà nước thuê dịch vụ công nghệ thông tin từ các tập đoàn, DN trong nước, thay vì tự đầu tư hạ tầng, thiết bị, tốn chi phí trong khi "tuổi thọ" công nghệ ngắn. Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thể thuê DN làm dịch vụ công, như Bảo hiểm xã hội thuê Ngành Bưu điện phát chuyển hồ sơ, trả lương hưu, trợ cấp... đã tiết kiệm tới 70% chi phí so với trước đây (do không phải "nuôi" bộ máy). Chính phủ mong muốn DN tham gia, đầu tư theo hướng xã hội hóa vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục..., đặc biệt là đầu tư theo mô hình DN phi lợi nhuận... - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý.
Một vấn đề được các đại biểu đề cập sôi nổi là sự minh bạch và liêm chính trong kinh doanh. Các tham luận đều truyền tải thông điệp kêu gọi chính cộng đồng DN không "tiếp tay" tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào...
* Trong khuôn khổ "Diễn đàn DN phát triển bền vững Việt Nam", tối 8-11, VCCI phối hợp với các bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức chương trình đánh giá, xếp hạng các DN bền vững tại Việt Nam 2016 - lần thứ I. Tại lễ công bố, 100 DN được vinh danh "DN phát triển bền vững Việt Nam". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.