Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống đẹp nơi công cộng

Bắc Vũ| 08/02/2023 06:37

(HNM) - Việc ứng xử văn hóa, văn minh nơi công cộng đã được nói đến nhiều lần, nhưng ở nơi này, nơi kia vẫn xảy ra những việc “không vừa mắt”, khiến dư luận không hài lòng. Đặc biệt, trong thời điểm đầu năm, khi mà các lễ hội, hoạt động du lịch đang diễn ra sôi động, thì vấn đề này càng được quan tâm hơn.

Thực tế thời gian qua đã có không ít vụ việc, hành vi xấu xí, phản cảm xảy ra từ sân bay, nhà ga xe lửa đến các toa tàu metro; từ bãi biển đến các điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa. Điển hình ngay tại thời điểm này là tình trạng lộn xộn ở một số điểm di tích lịch sử văn hóa mà nhức nhối nhất là phát sinh những điểm trông giữ xe trái phép, thu quá giá quy định; hay tình trạng nhét tiền lẻ vào mâm lễ, tượng Phật; rồi hình ảnh xả rác bừa bãi ở địa điểm công cộng vẫn xuất hiện thường xuyên; biến không gian chung thành không gian của riêng mình… Đáng nói, tại một số địa phương là trọng điểm du lịch cũng xảy ra những vụ việc không đáng có. Mới đây nhất, khách sạn Dream Flower (thành phố Đà Lạt) đã bị UBND thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xử phạt 8 triệu đồng vì từ chối tiếp nhận và có lời lẽ kỳ thị, xúc phạm du khách…

“Tiếng dữ đồn xa”, dù những hành vi thiếu văn hóa, văn minh ấy chỉ rơi vào một số người, nhưng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả cộng đồng. Ở góc độ nào đó còn làm sứt mẻ thương hiệu những điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, mến khách; những điểm di tích tâm linh linh thiêng, được người dân luôn trân trọng, giữ gìn.

Ứng xử văn hóa, văn minh nơi công cộng là biểu thị sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.

Do vậy, với các di tích, lễ hội, cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Phật tử và nhân dân thực hiện biện pháp phòng ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Quản lý việc đặt hòm công đức theo quy định, phân công lực lượng thu gom, tránh để xảy ra tình trạng rải (đặt, cài) tiền lẻ, tiền công đức không đúng nơi quy định. Đặc biệt, các ngành chức năng tổ chức các phương án về an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống cháy nổ; giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu vực di tích và nơi thờ tự… Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép…

Trong lĩnh vực du lịch, các điểm đến, khu du lịch, công ty lữ hành cần thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch; nỗ lực góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và chất lượng. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành thường xuyên với các cơ sở kinh doanh du lịch; yêu cầu các cơ sở niêm yết giá dịch vụ công khai, minh bạch; tuyên truyền cho hộ kinh doanh có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự…

Với du khách và người dân tham gia lễ hội, đi lễ đầu năm cần ứng xử đúng mực, văn hóa, giữ trật tự nơi công cộng, vui chơi lành mạnh; giữ gìn, bảo vệ công trình, kiến trúc, cảnh quan. Còn với cộng đồng dân cư nơi có di tích, điểm du lịch cần có thái độ lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch; nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi được đề nghị; giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch…

Sống đẹp nơi công cộng là góp phần xây dựng một hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sống đẹp nơi công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.