Văn hóa

Củng cố, lan tỏa nét ứng xử văn hóa ở cơ sở

Nguyễn Thanh 26/08/2023 - 07:29

Hà Nội vừa khởi động đợt kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố. Hoạt động này nhằm tiếp tục đôn đốc, tăng cường phát hiện, xử lý những vi phạm trong triển khai 2 quy tắc ứng xử, đồng thời nhân lên những điển hình hay, mô hình hiệu quả trong củng cố, phát triển văn hóa ở cơ sở.

t5-quytac-ungxu.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố tại UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình).

Tăng sự hài lòng của người dân

Là một trong những quận trung tâm của Thủ đô, Hoàn Kiếm thu hút lượng lớn khách trong, ngoài nước tham quan, du lịch, giao thương, buôn bán, khiến tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động giao lưu văn hóa trên địa bàn luôn sôi động. Với đặc trưng này, ngay sau khi thành phố ban hành hai quy tắc ứng xử, quận đã xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử của thành phố gắn với 5 tiêu chí ứng xử của người dân khu phố cổ, đồng thời bổ sung vào quy ước, nội quy tại các tổ dân phố, không gian công cộng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, quận đã thực hiện 51 lượt kiểm tra tới 36 đơn vị hành chính trên địa bàn… Cùng với đó là tiếp tục làm điểm về mô hình tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ. Xây dựng, triển khai phương án sắp xếp xe gắn máy trên hè phố phù hợp với đặc thù; lắp đặt, bổ sung nhà vệ sinh công cộng, thùng rác các loại trên các tuyến phố, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền hai quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức.

Tương tự quận Hoàn Kiếm, nỗ lực triển khai thực hiện hai quy tắc ứng xử trên địa bàn được quận Ba Đình chú trọng từ những ngày đầu, với nhiều hình thức thiết thực, tạo thành phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng. Chẳng hạn tại nơi công sở, tiêu chí thực hiện chức trách nhiệm vụ, ý thức bảo vệ phương tiện, tài sản, tổ chức không gian, thời gian làm việc hợp lý, hiệu quả được đặt lên hàng đầu, trong khi đó tại các địa bàn, tổ dân phố, việc nhân lên các mô hình, cách làm sáng tạo trong giữ gìn môi trường văn hóa cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng, làm theo.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) Nguyễn Anh Dũng cho biết, tròn 1 năm thực hiện mô hình “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” tại phường gồm: Tư vấn, hỗ trợ; tiếp nhận hồ sơ; thụ lý; phê duyệt; trả kết quả, đã rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng ở cơ sở.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm, thông qua việc lấy ý kiến của người dân tại bộ phận "một cửa" của các phường, quận cho thấy sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức tăng lên. Tình trạng người dân phàn nàn về việc thực hiện kỷ luật giờ giấc, tác phong không còn, số vụ việc tồn đọng của dân chưa được giải quyết giảm xuống rõ rệt.

Xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội

Đợt kiểm tra thực tế việc thực hiện hai quy tắc ứng xử thời gian qua đã góp phần nhận diện, đánh giá sát thực hơn về tình hình đưa hệ thống quy tắc vào đời sống, trong đó nổi bật với việc hình thành, lan tỏa nhiều mô hình mới phù hợp, hiệu quả hơn với điều kiện, đặc thù ở cơ sở, như các mô hình: “Ngày thứ bảy xanh - vì cộng đồng san sẻ yêu thương”, “Chi hội phụ nữ văn minh”, “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”, “Tiểu thương giao tiếp thân thiện”… hay “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính”…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại trong triển khai thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố, như: Vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức hút thuốc trong cơ quan, đơn vị, còn nể nang nhau trong việc phê bình, nhắc nhở khi đồng nghiệp vi phạm Quy tắc ứng xử tại cơ quan; một số người dân vẫn còn hành vi không đúng khi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xả rác không đúng quy định, đi xe không đội mũ bảo hiểm, trang phục không phù hợp khi ra đường…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện công tác trong thời gian tới. Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, với vai trò là chủ trì, phối hợp sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa cơ sở, như: Cuộc thi ảnh về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội thực hiện quy tắc ứng xử năm 2023; liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu thành phố Hà Nội năm 2023…

“Các cơ quan, đơn vị thành phố, các địa phương cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện hai quy tắc ứng xử nhằm hình thành những chuẩn mực văn hóa trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo hướng toàn diện, bền vững. Chú trọng giám sát kiểm tra, xử lý vi phạm đồng thời biểu dương khen thưởng kịp thời những cách làm hay, mô hình hiệu quả giúp lan tỏa văn hóa trong đời sống nhân dân”, bà Trần Thị Vân Anh nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Củng cố, lan tỏa nét ứng xử văn hóa ở cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.