Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sơn Tây: Nhiều vướng mắc trong dồn điền, đổi thửa

Kiều Linh| 26/04/2013 06:35

(HNM) - Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đạt được rất thấp, thị xã Sơn Tây là một trong những địa phương thực hiện DĐĐT kém nhất thành phố Hà Nội. Nguyên nhân vì sao?

Một đoạn đường qua xã Sơn Đông.


Thực hiện Chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân", Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch về xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn thị xã. Ban chỉ đạo Chương trình 02/CTr-TU của thị xã đã xây dựng quy chế, chương trình hoạt động, phân công nhiệm vụ; đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp giao ban để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình lập đề án, quy hoạch và xây dựng nông thôn mới, DĐĐT. Trên cơ sở đó, thị xã Sơn Tây đã đặt ra kế hoạch, phấn đấu trong năm 2012-2013, DĐĐT được 1.150ha của 6 xã, 1 phường, bao gồm Cổ Đông, Sơn Đông, Xuân Sơn, Kim Sơn, Thanh Mỹ, Đường Lâm, Xuân Khanh. Đảng ủy các xã đã ban hành nghị quyết về xây dựng nông thôn mới và triển khai đến cán bộ, lãnh đạo xã, thôn, khu phố. UBND các xã, phường đã lập kế hoạch DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã và Ban chỉ đạo, các tiểu ban xây dựng nông thôn mới trực tiếp chỉ đạo chương trình DĐĐT. Tuy nhiên, đến nay mới có xã Cổ Đông và phường Xuân Khanh xây dựng xong đề án DĐĐT, được UBND thị xã phê duyệt. Các phương án DĐĐT của xã Cổ Đông, phường Xuân Khanh cũng đã được thị xã chấp thuận và đang tiến hành lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình đường giao thông, kênh mương nội đồng... Xã Xuân Sơn mới thuê được đơn vị tư vấn, đo bao diện tích DĐĐT của 8/8 thôn và gửi bản đồ xuống các thôn lấy ý kiến; các xã Kim Sơn, Sơn Đông, Thanh Mỹ, Đường Lâm mới rà soát xong số diện tích đất nông nghiệp giao cho các hộ theo Nghị định 64/NĐ-CP. Các xã Kim Sơn, Sơn Đông, Thanh Mỹ đang thuê đơn vị tư vấn, đo đạc lập bản đồ hiện trạng của số diện tích dự kiến thực hiện DĐĐT. Chính vì vậy, việc thực hiện DĐĐT của Sơn Tây còn rất chậm. Tính đến thời điểm này, toàn thị xã mới tiến hành DĐĐT chưa được 50ha đất nông nghiệp ở thôn Phúc Lộc và Ngọc Kiên, xã Cổ Đông, đạt khoảng 4% kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho rằng, công tác DĐĐT của thị xã còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến chậm trễ. Hiện tại, Sơn Tây vẫn chưa được duyệt quy hoạch chung; đất quy hoạch cho các khu đô thị, giao thông, trường học... cũng chưa rõ ràng, nên khó xác định được diện tích đất nông nghiệp để đưa vào DĐĐT. Theo quy hoạch, ở xã Đường Lâm sẽ có con đường vành đai đi qua nhưng vẫn chưa xác định được đi qua chỗ nào, đến đâu. Tương tự, ở xã Xuân Sơn sẽ có một số trường đại học được "mọc lên", có đường vành đai đi qua; xã Cổ Đông sẽ có Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung xây dựng trên địa bàn, song đến nay chưa biết chính xác ở vị trí nào. Đặc biệt, Sơn Tây nằm ở vùng bán sơn địa, có địa hình không bằng phẳng, diện tích manh mún, rất khó khăn cho việc thực hiện DĐĐT. Với địa hình như vậy, việc xây dựng hệ thống thủy lợi, kênh mương, đường giao thông nội đồng phục vụ cho công tác DĐĐT khá tốn kém, khó thực hiện được công tác xã hội hóa. Theo quy định, đối với việc xây dựng hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng Nhà nước hỗ trợ 70% (bằng vật liệu xây dựng) và người dân đóng góp 30% (chi phí thiết kế, lập báo cáo kỹ thuật, thi công công trình). Trong khi đó, thiết kế, lập báo cáo kỹ thuật, người dân không thể tự làm được, phải thuê đơn vị chuyên môn nên tiến độ chậm. Việc thi công các công trình nội đồng khác với phương thức huy động thi công các đường làng, ngõ xóm, người dân cũng không thể tự bỏ công sức ra thực hiện, phải thuê máy móc, thợ kỹ thuật, khá tốn kém, khó có thể vận động nhân dân đóng góp đủ, nếu không có sự hỗ trợ của xã, phường và thị xã. Song nguồn thu chủ yếu của các địa phương là từ đấu giá đất, mà thị trường bất động sản lại đang đóng băng, không thể đấu giá được. Ngoài ra, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác xây dựng nông thôn mới và việc thực hiện DĐĐT của Sơn Tây.

Về hướng giải quyết, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn cho biết: "Trong thời gian tới, thị xã Sơn Tây sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; thường xuyên tổ chức giao ban để nắm tình hình và chỉ đạo kịp thời công tác DĐĐT. Thị ủy chỉ đạo UBND thị xã bố trí đủ kinh phí hỗ trợ triển khai thực hiện; có cơ chế tạm ứng kinh phí DĐĐT cho các xã, phường và có định mức kinh tế kỹ thuật đường, mương nội đồng thống nhất để các xã, phường thực hiện thiết kế và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật".
Nhiệm vụ năm 2013 của thị xã Sơn Tây là rất nặng nề. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã và sự quyết tâm của chính quyền các địa phương, Sơn Tây khó mà thực hiện được kế hoạch đề ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn Tây: Nhiều vướng mắc trong dồn điền, đổi thửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.