(HNM) - Trong điều kiện các ô chôn lấp không còn khả năng tiếp nhận rác, việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại là vô cùng cần thiết. Trước yêu cầu đó, thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành với mục tiêu sớm hoàn thành dự án, vận hành nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại Sóc Sơn, bảo đảm đủ điều kiện tiếp nhận rác trong quý III-2021.
Hai dự án có tính khả thi
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, phân luồng vận chuyển về 2 khu xử lý rác tập trung của thành phố là Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), tiếp nhận khoảng 5.000 tấn/ngày và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì), tiếp nhận khoảng 1.500 tấn/ngày. Việc xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến thông tin, khả năng tiếp nhận rác thải sinh hoạt của cả hai khu xử lý trên ngày càng thu hẹp nếu không được mở rộng các ô chôn lấp.
Trước thực trạng thiếu quỹ đất, cũng như khó khăn trong xử lý nước rác, bảo đảm vệ sinh môi trường, thành phố Hà Nội định hướng đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải, phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%. Đặc biệt, trong điều kiện các khu chôn lấp không còn khả năng tiếp nhận trong thời gian sắp tới, thành phố đôn đốc, hoàn thành sớm nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại là Nhà máy Điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày (tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn) và khởi công tiếp Nhà máy Điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày (tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn).
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hai dự án trên được đánh giá có tính khả thi cao. Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã bắt đầu xây dựng từ năm 2018, đến nay, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội đã hoàn thành thi công, lắp đặt khoảng 90-95% khối lượng công việc và đang căn chỉnh hệ thống kỹ thuật; dự kiến vận hành giai đoạn 1 vào tháng 9-2021... Còn Nhà máy Điện rác Seraphin cũng đã được thành phố quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư từ tháng 6-2020. Công ty cổ phần Công nghệ xanh Seraphin đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm khởi công nhà máy trong quý IV-2021.
Đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ
Hiện tại, các sở, ngành thành phố và chủ đầu tư đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ để sớm đưa Nhà máy Điện rác Sóc Sơn vào vận hành. Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, trước vướng mắc tại vị trí cột 20, 21 tuyến đường dây 110kV đấu nối với nhà máy, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn Nguyễn Trường Giang thông tin, UBND huyện Sóc Sơn và xã Hồng Kỳ đã làm việc với một hộ gia đình có hơn 360m2 đất nằm trong khu vực nói trên, thống nhất phương án bồi thường. Ngày 12-6 vừa qua, Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội đã chi trả tiền bồi thường theo phương án được duyệt và hiện đã tiếp nhận toàn bộ mặt bằng.
Về các công việc phục vụ vận hành Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, Sở đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng) phối hợp với Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội khớp nối các phương án phân luồng vận chuyển, tiếp nhận rác... tại hiện trường.
Thông tin thêm, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Nguyễn Duy Cường cho hay, trên cơ sở kế hoạch vận hành của Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, ban đã xây dựng kế hoạch phân luồng tiếp nhận rác từ các quận, huyện để bảo đảm nhà máy hoạt động thuận lợi, thông suốt. Song song đó, từ ngày 1 đến 13-7, ban phối hợp với chủ đầu tư, UBND 12 quận và 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì) tập huấn quy trình tiếp nhận rác cho các đơn vị thu gom, vận chuyển rác được phân luồng về nhà máy.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hướng dẫn nhà đầu tư trong công tác nghiệm thu các hạng mục về bảo vệ môi trường, phương án kiểm soát ô nhiễm... Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đề nghị đóng điện để phục vụ việc vận hành thử toàn bộ nhà máy.
Về phía chủ đầu tư, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội Li Ai Jun chia sẻ, bên cạnh tập trung căn chỉnh hệ thống kỹ thuật, bảo đảm tiếp nhận rác trong tháng 8 và bắt đầu đốt rác (giai đoạn 1) lò số 3, 4 trong tháng 9-2021, đơn vị cũng song song hoàn thành các công việc còn lại của giai đoạn 2, giai đoạn 3, phấn đấu tiếp nhận, xử lý rác thải theo đúng công suất thiết kế trong tháng 11-2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.