Năm 2024, toàn thành phố phấn đấu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67MW từ điện rác, đưa tổ máy số 3 dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn và dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành, nâng tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác đạt khoảng 129,3MW.
Thông tin được ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin tại Diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chiều 27-6 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình Quốc gia về Quản lý nhu cầu điện và Kế hoạch Phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố với nhiều giải pháp đã được triển khai một cách đồng bộ để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.
Năm 2024, toàn thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6% - 1,8% so với dự báo nhu cầu, trong đó tiết kiệm điện đạt 2,2% tổng điện năng tiêu thụ và 5% đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thành phố sẽ phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67MW từ điện rác, trong đó đưa tổ máy số 3 dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn và dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành, nâng tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của thành phố Hà Nội đạt khoảng 129,3MW.
Mặt khác, Hà Nội phấn đấu tăng thêm khoảng 30MW điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, trong đó khuyến khích phát triển mô hình điện mặt trời tự sản tự tiêu nhằm mục đích tự dùng, giảm công suất phụ tải đỉnh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các nhà xưởng của doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, Công an các phường, các trạm y tế, trường học…
Thành phố cũng khuyến khích sử dụng các sản phẩm đèn chiếu sáng có sử dụng điện năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng. Nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố; rà soát các tiêu chuẩn liên quan đến việc lắp đặt hệ thống trạm sạc xe điện; đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn đối với xe điện.
Với những giải pháp nêu trên, thành phố Hà Nội hướng tới là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững.
Cũng tại diễn đàn, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng ngành Công Thương thành phố trong việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình Quốc gia về Quản lý nhu cầu điện và Kế hoạch Phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.