(HNMO) - Chiều 14-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.
Trình bày báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5% (khiếu nại 17.171 vụ việc, đạt 81,9%; tố cáo 7.104 vụ việc, đạt 87,5%).
“Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, với 13 đối tượng. Trong đó, đã xem xét, xử lý, giải quyết 507/600 (đạt 84,5%) vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thông tin.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, các tòa án đã nhận được 19.722 đơn, thư các loại. Qua phân loại, số đơn mới thụ lý có 6.222 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 4.044 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của chánh án, phó chánh án và thẩm phán; 34 đơn tố cáo đối với cán bộ tòa án. So với cùng kỳ năm trước, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý mới giảm 446 đơn…
Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Duy Giảng cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý 23.873 đơn với 13.018 vụ việc; giải quyết 11.074 đơn với 6.913 vụ việc, đạt 53%...
Báo cáo thẩm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, mặc dù số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo năm 2020 thuộc thẩm quyền giảm so với các năm trước, nhưng các cơ quan hành chính chỉ giải quyết được 83,5% vụ việc, chưa đạt mức chỉ tiêu phấn đấu, giải quyết kịp thời, có hiệu quả trên 85% các vụ việc và thấp hơn so với các năm 2017, 2018 và 2019. Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở còn thấp…
Thảo luận về các báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đề nghị cần làm rõ trong trường hợp khiếu nại, tố cáo sai sự thật thì các cơ quan tư pháp, các cơ quan hành chính nhà nước đã có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị có biện pháp sớm chấm dứt tình trạng các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người kéo về trụ sở các cơ quan Trung ương, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo ở Hà Nội. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ đề nghị nêu rõ trong báo cáo năm 2020 tình hình trên đã có những chuyển biến ra sao.
Về nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại và tố cáo, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân là do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện là chưa thực sự thuyết phục, mà chủ yếu nguyên nhân đến từ việc thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật chưa nghiêm, chưa đúng.
Làm rõ một số nội dung được nêu trong báo cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về cơ chế, chính sách pháp luật trong một số lĩnh vực như tài nguyên và môi trường, công thương còn bất cập, chưa phù hợp, cần tiếp tục đánh giá, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, các địa phương, bộ, ngành và cơ quan trung ương cần phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, công khai kết quả, tiến hành đối thoại tạo sự đồng thuận của người dân.
“Trong trường hợp các đối tượng cố tình hoặc bị xúi giục tiếp tục khiếu nại, tố cáo lòng vòng, vượt cấp thì sẽ xử lý nghiêm”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí các báo cáo đã đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ mười sắp tới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các báo cáo trước khi trình Quốc hội xem xét.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.