(HNM) - Theo thống kê, TP Hà Nội có 1.516 nhà chung cư cũ với quy mô từ 2 đến 5 tầng, cơ bản được xây dựng từ năm 1960 đến 1990...
Các chung cư này đã xuống cấp, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần phải được cải tạo, xây dựng lại. Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành tham mưu các giải pháp thực hiện cải tạo, xây dựng nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, nhưng tiến độ quá chậm.
Tiếp thu phản ánh của cử tri, tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP Hà Nội, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Đô thị HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trả lời vấn đề này, đại diện UBND thành phố cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan, bởi theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực nội đô lịch sử (từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2) cần phải giảm dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người. Do đó, việc bảo đảm bài toán kinh tế: Cân đối tài chính cho nhà đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân trong dự án, hạn chế tăng dân số tại khu vực này là không khả thi…
Vừa qua, thành phố đã tổ chức hội thảo, xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, các tổ chức hiệp hội, nhà đầu tư để xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện Thủ đô. Bên cạnh đó, thành phố đã giao 19 đơn vị lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 28 chung cư.
Thành phố cũng thành lập Ban Chỉ đạo về cải tạo, xây dựng chung cư cũ do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, sớm hoàn thành cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện. Hiện nay, mọi khâu đang được gấp rút hoàn thành. Sau khi có đồ án lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu chung cư cũ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND TP Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu đủ khả năng thực hiện theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.