Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sôi nổi khí thế sản xuất ngày đầu xuân

Thanh Hải| 27/01/2023 15:11

(HNMO) - Ngay sau những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tại khắp các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội, công nhân, viên chức lao động đã quay trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao mừng Đảng, mừng xuân mới, tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.

Sản xuất tại Tổng công ty May 10-CTCP.

Là đơn vị đầu tàu của ngành dệt may với 12.000 lao động, trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổng công ty May 10-CTCP đã tổ chức lễ khai xuân đầu năm với mục tiêu phát triển sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, phát triển thị trường và đưa thời trang Việt “xuất ngoại”.

Năm 2022 đi qua, dù thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng May 10 vẫn gặt hái nhiều thành công. Theo đó, tổng doanh thu của tổng công ty đã tăng 18,42% so với kế hoạch, tăng 27,93% so với năm 2021; lợi nhuận tăng 8,33% so với kế hoạch, tăng 41,97% so với năm 2021; thu nhập bình quân tăng 9,4% so với kế hoạch, tăng 11,24% so với năm 2021.

Năm 2023 xác định tình hình khó khăn của thị trường trong và ngoài nước vẫn còn tiếp diễn. Để vượt qua khó khăn, bảo đảm sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển, May 10 đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 120 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9,4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP cho biết, để thực hiện nhiệm vụ này, May 10 sẽ tập trung vào các giải pháp chính như tuyên truyền vận động người lao động thấy được những khó khăn của năm 2023 để cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, tổng công ty sẽ tập trung vào công tác thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu của May 10 chiếm khoảng 80% tổng doanh thu của tổng công ty. Đi cùng với đó, tổng công ty sẽ tìm kiếm khách hàng mới, sản phẩm mới bên cạnh khai thác tối đa các mặt hàng truyền thống như áo sơ mi, veston, jacket… 

Còn tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, trong ngày đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tuy không tổ chức phát động thi đua, nhưng không khí sôi nổi đã rộn ràng khắp các phân xưởng. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, năm 2022 vừa qua là năm đánh dấu sự trưởng thành của Rạng Đông trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chứng kiến bước tiến mới trong vận hành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, được định hình từ năm 2020. Theo đó, năm 2022, Rạng Đông đã đạt doanh thu tăng trưởng 21% với gần 7.000 tỷ đồng (năm 2021 đạt 5.709 tỷ đồng).

Từ năm 2022, Rạng Đông bước vào giai đoạn 2 của chuyển đổi số, kết nối các modul đã được số hóa từng phần của tất cả lĩnh vực hoạt động, đồng bộ hóa từng phần, tiến tới đồng bộ hóa toàn phần, với mục tiêu tăng trưởng 25-30% (mục tiêu cho giai đoạn 2023-2025). Giai đoạn 3 (2024-2025) sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thông minh, linh hoạt trong môi trường thực - số. 

Sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Cũng theo ông Kết, vui mừng trước những kết quả đạt được, năm 2023, 2.400 cán bộ, công nhân viên công ty đã đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 25% và phấn đấu lên mức 30%, kiến tạo nền tảng cho bước phát triển mới của Rạng Đông với sự kiên định con đường phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex cho biết, năm 2022 dù khó khăn nhưng Vinatex vẫn hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. Trong thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị thành viên với những nỗ lực vượt khó để tìm kiếm và phát triển thị trường, khách hàng. Cùng với đó là những định hướng, dự báo kịp thời của các cơ quan tham mưu tại Văn phòng Tập đoàn và công tác chăm lo cho người lao động của Công đoàn Dệt may Việt Nam và hệ thống các công đoàn cơ sở. 

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may khi nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn ở trạng thái bất định. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…

Bởi vậy, Vinatex đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp may sẽ linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để bảo đảm đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, Vinatex tập trung vào các ngành mang lại giá trị gia tăng cao cũng như phấn đấu giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 4-6% trong bối cảnh thế giới giảm khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng; tập trung vào các giải pháp hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, phát triển sản xuất xanh, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi khí thế sản xuất ngày đầu xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.