Sức khỏe

22 ca tử vong do bệnh dại chỉ trong 2 tháng đầu năm

Thu Trang 13/03/2024 - 20:55

2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Chiều 13-3, theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (gồm: Đắk Lắk có 4 ca tử vong, Gia Lai có 1 ca tử vong).

Không chỉ tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại là bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại.

tiem-vxin-dai.jpg
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Điều đáng nói là từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 10-15 ngày), trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Ngoài ra, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; thậm chí có nơi chỉ đạt khoảng 10%.

Trước thực tế trên, các chuyên gia y tế nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục gia tăng.

Còn theo bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhiều ca tử vong do chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại là bài học rất lớn cho cộng đồng. Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, 100% người mắc bệnh dại sẽ tử vong khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn xem nhẹ bệnh dại, hiểu sai về tác dụng phụ của vắc xin phòng dại, không tiêm ngừa ngay cả khi bị chó, mèo, động vật cắn, dẫn đến những cái chết đau đớn và thương tâm.

Bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh, trước đây, các vắc xin sử dụng trong tiêm phòng dại là vắc xin thế hệ cũ, có chứa các tế bào thần kinh được sử dụng ở một số quốc gia. Vắc xin này có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng là biến chứng về thần kinh với tỷ lệ là 1/300 trường hợp. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo dừng hoàn toàn và không sử dụng các loại vắc xin thế hệ cũ.

Ngày nay, công nghệ sản xuất vắc xin dại thế hệ mới đã được kiểm định và khẳng định tính an toàn, đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. “Vắc xin phòng dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người sử dụng”, bác sĩ Bạch Thị Chính khẳng định.

Do đó, khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, người dân nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy kết hợp với xà phòng liên tục trong 15 phút, sau đó rửa sạch vết thương với cồn 70 độ C, cồn i-ốt hoặc nước muối pha đặc. Người dân không nên cố gắng nặn máu, nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn tiêm vắc xin phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
22 ca tử vong do bệnh dại chỉ trong 2 tháng đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.