Từ đầu năm đến nay, số người đến cơ sở y tế tại thành phố Hồ Chí Minh tiêm phòng bệnh dại tăng cao. Cơ quan chức năng đang xây dựng quy định để quản lý chặt chẽ hơn việc nuôi chó, mèo.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố có 19.552 trường hợp tiêm ngừa phòng bệnh dại do súc vật cắn. Trung bình mỗi tháng, trên địa bàn thành phố ghi nhận khoảng 10.000 người đi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại, trong đó chó gây thương tích cho người chiếm tới 74,8%. Riêng trong tháng 2-2024, có 10.330 người đi tiêm vắc xin phòng dại do bị súc vật cắn.
Đáng chú ý, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều người bị chó, mèo cắn, cào. Trong số này, có trường hợp chuyển nặng, tử vong vì bị chó dại cắn nhưng không tiêm phòng dại ngay sau đó.
Theo Sở Y tế thành phố, để giảm thiểu bệnh dại, người nuôi chó, mèo cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của cơ quan Thú y; thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư. Khi cho chó ra đường, vật nuôi phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông; đồng thời, phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng để trình UBND thành phố quy định về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn. Theo dự thảo quy định, người nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND cấp xã và khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử trên chó, mèo để quản lý thông tin.
Cũng theo dự thảo quy định, người dân nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm; kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, chủ nuôi chó, mèo phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Ngoài ra, chủ vật nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh dại của chó, mèo theo quy định để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con người, các con vật khác; chấp hành các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đặc biệt, chủ vật nuôi không được thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người và các con vật nuôi khác. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh.
Theo các cơ quan chức năng thành phố, hiện trên địa bàn có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ dân. Trong tổng đàn chó tại thành phố, có hơn 29.000 con chó lai, hơn 26.000 chó ngoại và hơn 121.000 chó ta (chiếm gần 67% tổng đàn). Vì vậy, theo dự thảo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hạn chế nuôi các giống chó to con, bản tính hung dữ như chó Pitbull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản), chó Brasileiros (Brazil)...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, quy định trên khi ban hành sẽ điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo làm cảnh, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, cứu hộ động vật và các mục đích khác. Quy định cũng nhằm cụ thể hóa các chủ trương về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.