Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sợ phí phạm!

Hoàng Thu Vân| 15/02/2011 07:14

(HNM) - Mới trong hơn chục ngày đầu năm Tân Mão 2011, đã có hàng chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều đó, song một nguyên nhân không thể không đề cập tới, đó là chất lượng hạ tầng giao thông của chúng ta hiện nay quá tồi.


Theo thống kê của ngành chức năng, đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài trên 256.000km, 35% số đó thuộc loại trung bình, 17% loại xấu, 16% loại rất xấu. Như vậy tính trên toàn bộ hệ thống đường bộ thì 2/3 cần được bảo dưỡng ngay. Đó là chưa kể nhiều tuyến chưa bảo đảm tiêu chuẩn (không biết "xếp hạng" gì), cầu và đường chưa đồng bộ, nhiều đoạn (thuộc khu vực miền Trung) xuống cấp nghiêm trọng. Đại loại là như vậy!

Một thống kê khác cho thấy, toàn quốc có khoảng trên 60 trạm thu phí cầu đường, riêng QL 1A có tới 19 trạm. Theo tính toán của một cán bộ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong cơ cấu giá xăng dầu hiện có gần 10 khoản thuế và phí, chiếm tới hơn 30% giá xăng dầu, trong đó có một khoản là 1.000 đồng tiền phí giao thông... Lại có một con số khác: do phải bảo đảm giao thông thông suốt, đến nay số tiền nợ đọng đối với các đơn vị thi công, bảo dưỡng, duy tu đường bộ đã lên tới trên 500 tỷ đồng... Còn rất nhiều con số biết nói khác dù rằng có những khoản người ta vẫn rỉ tai nhau hỏi nhỏ vì không biết thu được bao nhiêu, chi tiêu thế nào...

Cũng những ngày đầu năm mới rộ lên chuyện Bộ GTVT trình Chính phủ các phương án bảo trì đường bộ, trong đó ngành chủ quản thiên về hướng thu phí trực tiếp trên đầu xe lưu thông. Theo cách tính này, mỗi ô tô sẽ phải chịu mức phí từ 180.000 đồng đến 1,44 triệu đồng mỗi tháng, còn với mô tô, xe máy, mức phí từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng một tháng. Ai cũng biết, hạ tầng giao thông có ảnh hưởng trực tiếp và tác động đặc biệt đến phát triển đời sống KT-XH từng địa phương, thậm chí từng hộ gia đình. Việc lập quỹ bảo trì, duy tu đường bộ là cần thiết và cần nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Song đã có rất nhiều người lên tiếng băn khoăn vì phương án của ngành chủ quản đưa ra chưa hợp lý, không công bằng, thu khoản nọ "chồng" lên khoản kia... Ví dụ nếu lấy tải trọng xe và mức độ đi làm tiêu chuẩn thì xe trọng lượng 2 tấn, gấp hơn 13 lần trọng lượng mô tô, xe máy mà mức đóng phí chỉ hơn có 0,8 lần là bất hợp lý; một xe ô tô 4 chỗ chuyên kinh doanh (làm ta xi chẳng hạn) mà mức thu ngang bằng với xe gia đình là bất hợp lý... ấy là chưa kể tới đường sá hư hỏng là do ngành chức năng quy hoạch, thi công thiếu tầm nhìn, không sát với thực tế (mật độ, lưu lượng phương tiện...), rồi công tác giám sát thi công, quản lý yếu kém... Không lẽ tất cả những bất hợp lý, những hạn chế trong năng lực thực thi nhiệm vụ của ngành chức năng gây thiệt hại lại cứ bổ ra, chia đều cho các chủ phương tiện giao thông cùng gánh ?

Không riêng lĩnh vực này, chuyện điện tăng giá, nước sạch tăng giá, nhiều người cũng rất bức xúc, nhưng gốc của vấn đề không phải bức xúc vì giá tăng mà vì năng lực quản lý của ngành chức năng. Ví dụ như điện năng hao tổn trên đường truyền dẫn, nước sạch thất thoát từ mạng lưới cung ứng... mấy chục năm trời phấn đấu mà tỷ lệ hao hụt mất không ấy vẫn còn cao. Trở lại chuyện thu phí bảo trì đường bộ, rõ ràng là cần thiết, song do hạ tầng giao thông của ta hiện nay còn quá nhiều bất cập, gây sự bức xúc, trong khi đó phương án đưa ra lại thiếu thuyết phục thì làm sao tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Chuyện tăng giá hay thu phí trong cơ chế thị trường là bình thường và người dân không hề e ngại, có chăng chỉ ngại phí... phạm từ việc đặt ra những phương án không công bằng hoặc những người có trách nhiệm thiếu năng lực quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sợ phí phạm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.