Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số ca tai nạn giao thông nhập viện do rượu, bia giảm từ 30-50%

Thu Trang| 15/01/2020 14:40

(HNMO) - Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 15-1-2020, tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, số ca tai nạn giao thông nhập viện do rượu, bia đã giảm từ 30% đến 50%.

Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số ca tai nạn giao thông giảm rõ rệt.

Nằm kề những tuyến đường cao tốc, huyết mạch giao thông lớn của Thủ đô nên mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận số bệnh nhân vào cấp cứu vì tai nạn giao thông rất lớn. Trước thời điểm 1-1-2020, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 130 ca cấp cứu, trong đó khoảng 30% số ca liên quan đến tai nạn giao thông. Thế nhưng, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, số ca tai nạn giao thông nhập viện giảm rõ rệt.

Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vào sáng 15-1-2020 rất vắng, chỉ có 5 giường bệnh có bệnh nhân, chủ yếu là các trường hợp tai nạn sinh hoạt, người già mắc bệnh mạn tính... Các giường bệnh còn lại đều trống bệnh nhân. Trong chiều 14-1 và sáng 15-1, tại khoa Cấp cứu không ghi nhận trường hợp nào nhập viện tai nạn giao thông do rượu, bia.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trong số bệnh nhân vào cấp cứu, khoảng 70% là tai nạn do lái xe có sử dụng rượu, bia, tương đương khoảng 40-50 ca/ngày. Từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, lượng bệnh nhân nhập viện vì tai nạn do sử dụng rượu, bia đã giảm một nửa.

Tương tự, tại khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang bình thường có khoảng 70 bệnh nhân nội trú/ngày. Thế nhưng, từ ngày 1-1-2020 đến nay, số bệnh nhân nội trú đã giảm khoảng 50%. Thậm chí, sáng 15-1-2020, khoa chỉ có 27 bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Sơn Hà, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, xã hội cũng như giảm tải áp lực cho ngành Y tế, giúp bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

“Đặc biệt, khi xử phạt nặng lái xe tham gia giao thông có nồng độ cồn thì số người sử dụng rượu, bia lái xe cũng giảm. Khi người sử dụng rượu, bia giảm thì chắc chắn những ca tai nạn giao thông sẽ giảm. Ở góc độ của người bác sĩ, chúng tôi nhìn nhận, đây là vấn đề rất nhân văn”, bác sĩ Nguyễn Sơn Hà chia sẻ.

Lượng bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã giảm.

Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong ngày 15-1-2020 cũng vắng bóng bệnh nhân. Bác sĩ Phạm Ngũ Hiển, khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, trước đây, khoa thường tiếp nhận từ 10-15 ca/ngày do tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu. Đặc biệt, thời điểm giáp Tết Nguyên đán năm ngoái, số lượng bệnh nhân tai nạn giao thông tăng vọt, có ngày lên tới 30-40 ca. Thế nhưng, hiện tại, khoa chỉ tiếp nhận khoảng 1-2 ca/ngày.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Toản, Trưởng khoa Chấn thương - chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, so với dịp giáp Tết năm 2019, năm nay, lượng bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia giảm khoảng 30%. Đây là tín hiệu vui vì trước đây mỗi dịp lễ, Tết, bệnh viện thường phải căng mình để xử trí cấp cứu do tai nạn liên quan đến rượu, bia. "Không chỉ giảm các vụ tai nạn giao thông, nếu Nghị định 100 tiếp tục được thực hiện nghiêm sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội" - bác sĩ Trần Quang Toản nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Số ca tai nạn giao thông nhập viện do rượu, bia giảm từ 30-50%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.