Giao thông

Duy trì quy định nồng độ cồn “bằng 0” với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cần thiết

Mai Hữu 11/04/2024 - 14:12

Sáng 11-4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

hn1.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hữu

Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị.

Cân nhắc quy định về quỹ đất cho giao thông đô thị

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đường bộ, giảng viên cao cấp Đại học Xây dựng Vũ Hải Nam cho biết, dự thảo Luật quy định việc quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26% để phát triển đô thị trong tương lai. Nếu quy định tỷ lệ như vậy, ông Vũ Hải Nam cho rằng khi quy hoạch buộc phải thu hồi đất sẽ tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

“Theo các nghiên cứu của chúng tôi, nếu chúng ta vận chuyển khoảng 50 nghìn khách/ngày - đêm thì cần đường bộ rộng khoảng 175m, trong khi chúng ta chỉ cần khoảng 10-14m của đường metro, xe buýt nhanh thì vẫn có khối lượng vận tải tương đương. Nếu quy định tăng quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ sẽ mở rộng quá nhiều đường bộ dành cho xe cơ giới, dẫn đến việc mở rộng tràn lan các đô thị. Chúng ta không cần nhiều phương tiện mà cần phương tiện vận tải được nhiều hành khách”, ông Vũ Hải Nam nói.

hn4.jpg
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa phát biểu. Ảnh: Mai Hữu

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, trong quá trình tổ chức triển khai các đồ án quy hoạch về mạng lưới đường giao thông có nội dung về cấp bậc của đường, bãi đỗ xe… nhưng các nội dung này trong dự thảo Luật chưa được quy định.

“Như đồ án quy hoạch Thủ đô chỉ xác định đến cấp đường liên khu vực, thiếu tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị”, ông Nguyễn Đức Nghĩa nói.

Về không gian ngầm, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng sẽ được tích hợp vào tỷ lệ quỹ đất giao thông trên mặt đất bởi chưa có tỷ lệ để đánh giá quỹ đất không gian ngầm. Không thể đưa không gian ngầm vào đất đô thị, bởi đất đô thị được thể hiện trên mặt đất, không gian ngầm phải phụ thuộc diện tích giao thông trên mặt đất.

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình cho rằng, các nội dung về quy hoạch trong dự thảo Luật cần quy định “mở” để bảo đảm cơ chế thực hiện các quy hoạch liên quan đến giao thông trong tương lai.

“Các phương tiện giao thông ngày càng phát triển. Trước đây các phương tiện dàn hàng ngang trên mặt đất thì bây giờ có phương tiện ngầm, phương tiện trên cao, phương tiện công cộng và những phương tiện hiện đại trong tương lai sẽ xuất hiện. Do đó chúng ta không nên bó cứng quy định về tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị”, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên nói.

Cùng quan tâm đến quy hoạch giao thông, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội) Từ Ngọc Lâm cho rằng, cần quy định về xây dựng điểm dừng, đỗ phương tiện tại tất cả các trường học để trong trường hợp cơ sở giáo dục trong quá trình cải tạo, nâng cấp có thể quy hoạch thêm không gian các điểm dừng, đỗ phương tiện.

hn3.jpg
Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Nguyễn Hồng Tuyến thảo luận tại hội nghị.

Cần duy trì quy định nồng độ cồn “bằng 0”

Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Nguyễn Hồng Tuyến nhất trí với quy định “cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có hơi thở nồng độ cồn”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông cần có sự xử lý nghiêm khắc.

Chủ tịch Hội Luật gia thành phố cũng cho rằng, việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (đối với hành vi người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe máy, xe chuyên ngành mà trong máu có hơi thở nồng độ cồn) đang có tác dụng rất tích cực (số vụ tai nan giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, số người chết và số người bị thương đều giảm) và đang dần hình thành thói quen văn hóa “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” trong đời sống xã hội. “Vì vậy, cần phải duy trì hành vi cấm này”, ông Nguyễn Hồng Tuyến nói.

hn5.jpg
Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) Lê Thanh Hiếu.

Đối với phân loại phương tiện giao thông đường bộ, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho biết, quy định trong Luật đã khá chi tiết nhưng chưa đề cập một số loại mà trẻ em, người chưa thành niên đang sử dụng để tham gia giao thông như xe điện 2 bánh tự cân bằng, xe trượt scooter, vali điện tự di chuyển… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, bà Lê Thanh Hiếu cho rằng, dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến phương tiện đa chức năng như xe cơ giới, xe thô sơ.

Bên cạnh đó, đối với nội dung quy định nội dung giao Bộ trưởng Bộ Y tế khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại, việc định khám sức khỏe đối với người lái xe ô tô là cần thiết, vì người lái xe phải đảm bảo sức khỏe mới có thể vận hành được phương tiện khi tham gia giao thông, tuy nhiên, cần khoanh vùng nhóm đối tượng, để tránh gây lãng phí thời gian, kinh phí của người hành nghề lái xe, nên tập trung vào các nhóm đối tượng: Lái xe là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), lái xe ô tô vận tải, người lái xe có tiền sử bệnh nền, nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đã tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước để chuyển đến cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến góp ý để hoàn thiện 2 dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ bảy sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy trì quy định nồng độ cồn “bằng 0” với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.