Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số ca mắc sởi tăng nhanh, vì sao?

Hương Thủy| 21/02/2019 19:39

(HNMO) - Thời gian qua, số ca mắc bệnh sởi gia tăng nhanh ở nhiều địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.


Xuất hiện nhiều ca biến chứng

Ngày 21-2, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, trong những ngày đầu năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận 200 bệnh nhân mắc sởi đến khám và điều trị. Những ngày qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3-5 trường hợp mắc sởi nặng, thường tập trung vào trẻ em, trong đó nhiều ca mắc biến chứng viêm phổi. Hiện, bệnh viện theo dõi hơn 30 trường hợp nặng.

Bệnh không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn xuất hiện ở cả người lớn. Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, từ cuối năm 2018, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận nhiều ca mắc sởi đến khám, nhập viện, trong đó có ca người lớn mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh mạn tính. Phụ nữ có thai mắc sởi có nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.


Một ca mắc sởi.


Gần đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân người lớn bị viêm não-màng não do biến chứng của sởi. Bệnh nhân là Đ.H.V, 28 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy có biến loạn với chẩn đoán viêm não-màng não do sởi.

Trước khi phát bệnh, bệnh nhân sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nơi được xác định đang có dịch sởi. Bệnh nhận không nhớ trước đó đã được tiêm phòng sởi hay chưa.

PGS.TS Đỗ Duy Cường chia sẻ, viêm não-màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp. Đây là ca bệnh đầu tiên tại bệnh viện được ghi nhận trong mùa dịch năm nay.

Nguyên nhân khiến bệnh bùng phát

Tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 17-2-2019, toàn thành phố đã ghi nhận 192 ca mắc sởi, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (19 ca). Đáng chú ý, sau Tết, bệnh sởi có xu hướng gia tăng nhanh. Trong số trên, chỉ riêng tuần đầu sau Tết đã có 78 trường hợp mắc sởi. Tuy nhiên, bệnh nhân phân bố rải rác tại 100/584 xã, phường của 25/30 quận huyện; chưa ghi nhận ổ dịch tập trung. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và trên 5 tuổi (146 trường hợp, chiếm 76%). Điều đáng nói, 93% số đối tượng mắc bệnh là do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tình hình dịch bệnh sởi tại Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của toàn quốc và thế giới là có xu hướng gia tăng, bùng phát.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Ukraine và Mỹ. Tại Ukraine, số mắc tiếp tục tăng cao với 8.498 trường hợp, đây là số mắc lớn nhất ghi nhận trong tháng 1 của những năm gần đây, trong khi cả năm 2018, nước này ghi nhận 54.481 trường hợp mắc. Tại Mỹ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019, quốc gia này đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dịch sởi xuất hiện và bùng phát là theo chu kỳ khoảng 4-5 năm, dịch bệnh sởi có thể xảy ra, do hằng năm, số trẻ không tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi sẽ tích lũy tạo thành một khoảng trống miễn dịch làm virus sởi có điều kiện thuận lợi lan truyền trong cộng đồng. Lúc đó, người lớn chưa mắc sởi hoặc tiêm chủng không đầy đủ sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh và dịch sởi sẽ bùng phát. Năm 2014 là năm gần nhất có dịch sởi nên cuối năm 2018 và đầu năm 2019 dịch sởi quay trở lại.

Mặt khác, thời tiết hiện nay là mùa đông xuân (độ ẩm cao), rất thuận lợi cho virus gây bệnh lây qua đường hô hấp và bệnh sởi dễ tồn tại, phát triển.

"Bên cạnh đó, thời điểm sau nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người lao động, học sinh, sinh viên từ các tỉnh, thành quay trở lại Hà Nội học tập và làm việc có thể mang theo mầm bệnh từ các địa phương khác về Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định.

Tiêm vắc xin - biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Theo các chuyên gia, người dân cần chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, bởi đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất. Cụ thể, đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi; đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương; trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày cần được thực hiện thường xuyên; không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng; thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí, thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban), cần cho trẻ nghỉ học, sớm cách ly với mọi người xung quanh và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời; không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ chơi, đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1-2 lần/ngày cũng là biện pháp cần thiết.

Ngoài ra, người dân nên hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực có ổ dịch; vệ sinh cá nhân, nhất là thường xuyên rửa tay với xà phòng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Số ca mắc sởi tăng nhanh, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.