(HNMO) - Bước sang ngày thứ ba tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, sáng nay, 28-3, việc mua bán tại các siêu thị và chợ dân sinh ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn ra bình thường. Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.
Siêu thị dồi dào hàng hóa
Hôm nay, 28-3, do là ngày cuối tuần, lượng người tới mua sắm tại các siêu thị ở Hà Nội tăng hơn ngày thường. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, lượng hàng hóa tại các siêu thị rất dồi dào. Đặc biệt, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được siết chặt, đa số người dân đều đeo khẩu trang, rửa tay khô sát khuẩn và hợp tác trong việc đo thân nhiệt.
Tại siêu thị Vinmart số 27 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), từ sáng sớm, các chuyến hàng liên tục được chuyển về và được các nhân viên xếp đầy các kệ. Thu hút người dân hơn cả là các quầy rau, củ, trái cây, thịt, cá. Chị Hoàng Thu Hà (ở ngõ Tạm Thương, quận Hoàn Kiếm) cho biết, thời gian gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chị thường mua lượng hàng đủ dùng cho 2-3 ngày để giảm số lần tới nơi công cộng. Hàng hóa nhiều nên không nhất thiết phải tích trữ.
Theo chị Hà, giá các mặt hàng hôm nay không thay đổi so với các ngày khác, chủng loại rất phong phú, nhiều mặt hàng còn chạy chương trình giảm giá.
Tại siêu thị này, có nhiều mặt hàng giảm giá, như nho đen giảm từ 199.500 đồng còn 159.900 đồng/kg, táo Lilopop giảm từ 75.000 đồng còn 58.500 đồng/kg, bơ giảm từ 106.700 đồng còn 79.900 đồng/kg, giấy hiệu Pulppy mua 10 cuộn tặng 1, giấy hiệu Bless you 3 lớp mua 10 gói tặng 2 gói, mua 1 can nước lau sàn Lix 4 lít tặng 1 chai nước rửa bát…
Lượng khách tới mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Long Biên cũng đông hơn ngày thường. Mặt hàng được nhiều người lựa chọn là các loại rau củ, thịt, cá và hàng khô. Chị Ngô Thị Hậu (ở ngõ 94 phố Ngô Gia Tự, Long Biên) cho biết, chị tới siêu thị Aeon để mua mực tươi, cá hồi về đổi món cuối tuần.
“Giá các mặt hàng không tăng, hàng hóa rất phong phú, tôi còn mua được các loại rau mùa hè như rau dền, mướp, mồng tơi rất ngon. Những ngày qua, qua thông tin trên báo, đài và từ thực tế các siêu thị, tôi thấy không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân”, chị Hậu cho biết.
Tại siêu thị Big C Thăng Long sáng nay, lượng khách cũng tăng hơn ngày thường song lượng hàng hóa luôn đầy các kệ, giúp người dân thoải mái lựa chọn.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vincommerce khẳng định, VinMart và VinMart+ cam kết đồng hành, bảo đảm nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hóa trên toàn thành phố Hà Nội và toàn quốc. Bà Tâm chia sẻ, người dân không cần lo lắng mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng hàng đủ bảo đảm sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hóa rất dồi dào. Hệ thống VinMart, VinMart+ cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung hàng liên tục trong ngày. Đó cũng là chia sẻ của đại diện Co.opmart, Big C… trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa cả về số lượng và chất lượng.
Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, các siêu thị còn siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Tại các cửa vào luôn có 1-2 nhân viên đo thân nhiệt, chủ động xịt nước rửa tay khô cho khách hàng, nhắc nhở người tới mua sắm đeo khẩu trang. Nhân viên lau dọn sàn, lan can… liên tục, bảo đảm môi trường sạch sẽ.
Tuy nhiên, ghi nhận tại các siêu thị, nhiều người còn chưa chú ý giữ khoảng cách với những người xung quanh, nhất là tại quầy thanh toán, quầy cân rau quả. Do đó, các siêu thị cần thực hiện các giải pháp cụ thể hơn, như nhắc nhở người dân khi xếp hàng thanh toán tại quầy; phân luồng tại khu mua sắm khi đông khách...
Chợ dân sinh giá các mặt hàng ổn định
Theo khảo sát của nhóm phóng viên Báo Hànộimới, không khí mua sắm của người dân tại các chợ dân sinh ở các quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng... diễn ra bình thường, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.
7h, tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông), tiểu thương buôn bán bình thường. Các mặt hàng được người dân mua sắm nhiều vẫn là thịt các loại, cá, trứng. Tiểu thương và người mua hàng tại chợ đều đeo khẩu trang đúng cách. Chị Nguyễn Thị Giang, phường Nguyễn Trãi cho biết, giá thịt lợn vẫn ổn định từ 120.000-150.000 đồng/kg tùy loại; rau, củ, quả cũng không tăng giá so với những ngày trước.
Tại chợ Đồng Xa, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), lượng người bán giảm so với ngày thường nhưng hàng hóa vẫn tràn ngập, giá cả ổn định. Bà Nguyễn Thị Lược, số 112 phố Trần Bình cho biết: "Tôi chỉ mua thực phẩm đủ dùng từ 2-3 ngày để hạn chế việc ra khỏi nhà, không tích trữ hàng hoá do lương thực, thực phẩm không khan hiếm".
Trong khi các mặt hàng như thịt lợn, thịt bò, rau xanh được nhiều người chọn mua thì hàng bán thịt gia cầm, cá, hải sản vắng khách.
Chị Nguyễn Thị Thu, một tiểu thương tại chợ tạm Ngã Tư Sở, phố Cầu Mới (quận Đống Đa) cho biết, lượng hàng bán giảm đi nhiều vì các nhà hàng đóng cửa hết nên chị không bán buôn được, trong khi khách mua lẻ thường chỉ mua đủ dùng.
Tại chợ dân sinh Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), rất nhiều cửa hàng bán thực phẩm tươi sống nghỉ bán. Theo chị Nguyễn Thị Lan, một người bán thịt bò tại chợ, nhiều hộ tự nghỉ để phòng dịch, một số hộ bán nốt 2 ngày cuối tuần này, và thứ hai sẽ nghỉ. Nguyên nhân là các đầu mối cung cấp thực phẩm báo tạm dừng giao hàng. Giá các mặt hàng ở chợ vẫn bình ổn, không tăng đột biến. Cụ thể, thịt bò dao động từ 220.000-300.000 đồng/kg, thịt lợn từ 140.000- 170.000 đồng/kg.
Trên địa bàn các huyện, các điểm, cơ sở cung ứng hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hoạt động bình thường theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh (bán thịt lợn ở chợ Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) cho biết, hôm nay, cửa hàng vẫn thịt một con lợn (khoảng 1 tạ); giá ổn định (thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg, thịt sườn 135.000 đồng/kg, móng giò 105.000 đồng/kg)...
Bà Nguyễn Thị Thành ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết: “Sáng nay, tôi ra chợ mua các loại thực phẩm cho gia đình như ngày thường. Mặc dù dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, nhưng suốt thời gian qua, tôi chưa thấy ngày nào hàng hóa khan hiếm. Ngoài ra, các chủ cửa hàng cũng thông tin là nguồn cung hàng hóa dồi dào, nên chúng tôi rất yên tâm, chỉ mua đủ dùng hằng ngày".
Tại chợ Bá, xã Hồng Hà - một chợ phiên lớn của huyện Đan Phượng, hầu hết người bán, mua đều đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng của xã Hồng Hà cũng có mặt ở chợ để nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Huy, người dân thôn Bá Dương Nội (xã Hồng Hà) cho biết: “Các mặt hàng nông sản, thực phẩm ở chợ vẫn phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu người mua với giá ổn định”.
Chị Nguyễn Thị Xuyến, tiểu thương bán rau, quả ở chợ Bá cho biết, đa số người dân đi chợ mua rau, củ, quả, thịt, cá, trứng và các mặt hàng thiết yếu.
Còn tại huyện Đông Anh, các cửa hàng bán nông sản, thực phẩm như rau, thịt hoạt động bình thường. Tại chợ Sa (xã Cổ Loa), có khoảng 50 hộ kinh doanh nông sản, thực phẩm…
Bà Nguyễn Thị Mai, một hộ kinh doanh tại chợ Sa cho biết: “Tôi bán rau, thịt tại chợ này cũng hơn 10 năm nay. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và thành phố Hà Nội, đến ngày 28-3, chợ chỉ còn các quầy hàng nông sản, thực phẩm như của gia đình tôi là mở cửa bán hàng, người dân vẫn đi chợ bình thường, bởi đây là nhu cầu hằng ngày. Nguồn nông sản như rau, thịt, thực phẩm rất dồi dào, đủ cho người dân trong xã và các xã lân cận”.
Không chỉ chợ Sa, mà ở các chợ nông sản chính trên địa bàn huyện Đông Anh như Bắc Hồng (xã Bắc Hồng), Kim Nỗ (xã Kim Nỗ)..., sức bán và mua đều không có đột biến.
Một số hình ảnh thực tế tại các chợ sáng nay:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.