Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chợ Hà Nội còn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội. Vì vậy, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chợ cũ tại Hà Nội sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, tạo dựng môi trường thương mại đô thị văn minh, hiện đại. Song vấn đề là cần có giải pháp đồng bộ, từ cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư đến sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương để thúc đẩy các dự án cải tạo chợ dân sinh.
Hạ tầng chợ xuống cấp
Là kênh phân phối đã tồn tại lâu đời và gắn bó với đời sống nhân dân, nên phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tại các chợ truyền thống vì sự tiện lợi, và có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các chợ trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp, hạ tầng trong chợ lộn xộn, nhếch nhác, làm xấu đi hình ảnh văn minh thương mại của thành phố.
Từng là đầu mối bán buôn sầm uất ở phía Tây Thủ đô, nhưng nay phía trong chợ Ngã Tư Sở là sự xuống cấp, các gian hàng cơi nới tạm bợ, nhiều quầy hàng bị bỏ không. Chợ chỉ đông đúc nhộn nhịp ở khu vực buôn bán hoa quả, thực phẩm tươi sống phía bên ngoài. Tương tự, tại các chợ Cầu Giấy, Nam Trung Yên, Trung Hòa (quận Cầu Giấy); Thành Công (quận Ba Đình)… cơ sở hạ tầng bên trong cũ kỹ, đường đi trong chợ ẩm ướt, nhếch nhác, không bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Cùng với đó, là tình trạng nơi được đầu tư xây dựng chợ dân sinh nhưng chậm đưa vào hoạt động, nơi thiếu chợ để phát sinh chợ cóc, chợ tạm. Điển hình như chợ Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), quy mô 3.600m2, tổng kinh phí xây dựng 22,5 tỷ đồng, được chấp thuận xây dựng từ tháng 5-2013 nhưng đến nay vẫn dở dang. Trong khi đó, chợ cóc trên phố Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân), hoạt động trên vỉa hè từ 5h đến 7h30 hằng ngày, vừa mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa mất mỹ quan đô thị. Tuy chính quyền địa phương liên tục chấn chỉnh, nhưng việc người dân tụ tập dựng xe trước các sạp hàng vỉa hè để mua bán khiến cho những tụ điểm như thế này luôn phức tạp, khó kiểm soát.
Qua thống kê của UBND các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 31 chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, ảnh hưởng đến giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm vệ sinh..., cần phải giải tỏa.
Ngoài ra, một số chợ đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ nhiều năm nay như chợ Ngã Tư Sở, chợ Châu Long, chợ Xuân La… nhưng triển khai dự án quá chậm. Mô hình chợ, quy mô đầu tư không phù hợp, không còn chợ truyền thống bảo đảm nhu cầu kinh doanh của các hộ và không thuận tiện cho việc mua sắm của người dân nên không khả thi.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện thành phố có 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị; 453 chợ truyền thống… Tuy nhiên, cơ chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc nên không thu hút được các doanh nghiệp tham gia. Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nguyên nhân chính là do việc quy hoạch chợ còn chậm. Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách gặp không ít vướng mắc. Muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì diện tích đất xây dựng chợ là đất công.
Trông chờ chính sách ưu đãi
Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Nam cho biết, mặc dù Nhà nước đã đồng ý sử dụng một phần vốn ngân sách đầu tư xây dựng chợ, nhưng trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn về giá đất, tiền thuê đất. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không dễ dàng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất…
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường thông tin, hiện nay quận Long Biên mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch ngành nên việc phát triển, xây dựng hệ thống bán lẻ không dễ dàng.
Chia sẻ về khó khăn mà các địa phương gặp phải, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, thời gian tới Sở tiếp tục triển khai việc đầu tư, cải tạo chợ theo kế hoạch năm 2023 của UBND thành phố và các chương trình số 03-CTr/TU, số 04-CTr/TU của Thành ủy. Trước mắt, Sở phối hợp cùng các sở, ngành hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, bảo đảm đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn để phê duyệt.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cơ sở hạ tầng chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ở mức "báo động" nhưng để kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cải tạo, xây mới chợ đòi hỏi cơ quan quản lý phải lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển, không thể giữ cơ chế bao cấp mãi.
Thực tế cho thấy, việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống và cảnh quan đô thị là rất cần thiết. Muốn làm được điều này, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.