(HNM) - Một trong những giải pháp đang được Bộ Giao thông - Vận tải triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe khách liên tỉnh là tất cả các xe phải gửi thông tin hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông - Vận tải.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giải pháp này chỉ thích hợp với địa phương có số lượng xe hợp đồng nhỏ, số chuyến đi ít. Thay vào đó, cần sớm xây dựng một phần mềm thống nhất trên toàn quốc để các lực lượng chức năng có thể dễ dàng tra cứu, xử lý vi phạm.
Các ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ quản lý chặt chẽ xe hợp đồng. Ảnh: Tuấn Kiệt |
Xe hợp đồng trá hình tăng chóng mặt
Theo quy định, các xe hợp đồng khi vận tải khách du lịch, lái xe phải mang theo hợp đồng vận tải khách du lịch, hoặc hợp đồng lữ hành (bản chính, hoặc bản sao có xác nhận của đơn vị kinh doanh du lịch); chương trình du lịch và danh sách hành khách. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định. Thậm chí, có nhà xe còn treo biển “xe đưa đón công nhân” nhằm đối phó lực lượng chức năng. Với quy định phải có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách, các nhà xe dùng “chiêu” lập sẵn hợp đồng. Khi lên xe, hành khách chỉ việc ghi tên mình và ký. Tuy vậy, tất cả hành khách trên xe đều là khách lẻ do nhà xe gom tại nhiều địa điểm và phần lớn họ không quen biết nhau.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định, những năm gần đây, lượng xe hợp đồng trá hình, chủ yếu là xe 16 chỗ "lách luật" hoán cải thành xe dưới 9 chỗ ngồi tăng chóng mặt. Xe nhỏ có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách trong nội đô để đón khách đã gây áp lực lên các tuyến phố và tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Dịch vụ này có thuận tiện cho hành khách, nhưng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, tác động xấu đến thị trường vận tải tuyến cố định; gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng do không chạy theo luồng tuyến, không đón trả khách tại bến cố định.
Đại diện Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội thừa nhận, do các quy định của pháp luật về quản lý xe hợp đồng còn bộc lộ những kẽ hở, nên lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt với các lỗi dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định.
Kết nối liên thông để thống nhất quản lý
Trước tình hình trên, Bộ GT-VT đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Dự thảo nghị định mới đưa ra quy định tất cả xe hợp đồng phải gửi thông tin hợp đồng vận chuyển (văn bản giấy, hoặc điện tử) đến Sở GT-VT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải trước khi vận chuyển hành khách. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại một địa điểm cố định; mỗi xe trong tháng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều người thuê vận tải khác nhau... Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) đánh giá, việc bổ sung nhiều điều kiện mới như vậy sẽ góp phần đưa loại hình xe hợp đồng vào khuôn khổ.
Khẳng định Bộ GT-VT đã, đang rất tích cực vào cuộc cùng các tỉnh, thành phố, đặc biệt là phối hợp tốt với TP Hà Nội trong quản lý vận tải, song, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Hà cho rằng, mục tiêu của việc đưa ra yêu cầu “gửi thông tin hợp đồng vận chuyển về Sở GT-VT nơi cấp giấy phép kinh doanh” nhằm tránh việc đơn vị kinh doanh vận tải lợi dụng xe hợp đồng để hoạt động theo tuyến cố định. Tuy nhiên, quy định trên chỉ phù hợp với những nơi có số lượng xe nhỏ, số chuyến đi ít, còn các địa phương có số lượng lớn sẽ gặp khó khăn.
Đơn cử, Hà Nội hiện có hơn 40.000 ô tô được cấp phù hiệu xe hợp đồng. Nếu mỗi ngày có 40.000 bản báo cáo, dù chỉ là gửi qua email cũng gây quá tải vì dung lượng hộp thư điện tử có hạn; hợp đồng bản giấy được gửi về sẽ còn phức tạp hơn. Vì vậy, Sở GT-VT Hà Nội đề xuất Bộ GT-VT xây dựng phần mềm và cung cấp cho các Sở để kết nối liên thông nhằm thống nhất quản lý. Cụ thể, thông tin của hợp đồng vận chuyển khách đối với xe hợp đồng, xe du lịch bằng phần mềm được đăng ký thống nhất trên website của Bộ, hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở GT-VT để thuận tiện tra cứu. Khi đó, các đơn vị kinh doanh chỉ cần truy cập vào website chung, nhập thông tin theo quy định trước khi vận chuyển hành khách. Lực lượng chức năng khi tác nghiệp ở hiện trường sẽ sử dụng thiết bị di động truy cập cơ sở dữ liệu (biển số xe, tên đơn vị...) để đối chiếu và xử phạt nếu thông tin đơn vị đăng ký sai so với thực tế.
Trong khi chờ hoàn thiện các văn bản quy phạm, TP Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những xe ô tô kinh doanh vận chuyển hành khách vi phạm quy định. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GT-VT, phối hợp cùng với các ngành liên quan kiểm tra chuyên sâu để chứng minh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tổ chức đón, trả khách, các xe hợp đồng vận chuyển hành khách như tuyến cố định; rà soát, tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường xung quanh khu vực bến xe và có mật độ hành khách, phương tiện đông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.