Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Siết” lại quản lý kinh doanh vận tải

Tuấn Khải| 18/09/2014 06:09

(HNM) - Hai lĩnh vực khá nhức nhối hiện nay là xe khách trá hình và taxi

Hoạt động kinh doanh vận tải đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ lụy xã hội. Ảnh: Nam Khánh


Loại bỏ doanh nghiệp làm ăn chộp giật

Tại Hà Nội và nhiều địa phương khác đang tồn tại tình trạng xe chở khách theo hợp đồng, xe chở khách du lịch nhưng hoạt động trá hình như xe khách chạy tuyến cố định. Các hãng xe này không vào bến mà tự lập bến "cóc" đón trả khách. Cách làm phổ biến của các nhà xe là lập văn phòng ở nội đô rồi đưa xe vào khai thác từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, hoặc ngược lại. Theo Bộ GTVT, đây là vấn đề nhức nhối gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông và đặc biệt là dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp quy chưa đầy đủ đã khiến cho việc xử lý các tổ chức, cá nhân này gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định tại Nghị định 86/2014/CP, khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới). Đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT - nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Nhà xe không được đón trả khách ngoài các điểm ghi trong hợp đồng và không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Nghị định mới cũng quy định rõ các điều kiện về bảo đảm an toàn giao thông, niên hạn xe, quy mô doanh nghiệp… Đây là các quy định chặt chẽ nhằm loại bỏ các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, qua đó tạo điều kiện phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn, cụ thể: Xe phải có niên hạn sử dụng không được quá 15 năm; xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình; doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng có cự ly từ 300km trở lên (nếu có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương) thì phải có tối thiểu 10 xe trở lên… Theo nhận định của ông Trần Bảo Ngọc-Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), nghị định này đã hoàn thiện được những thiếu sót liên quan đến hoạt động vận tải từ các văn bản pháp quy trước đó. Với các quy định chặt chẽ như vậy, cộng với khâu kiểm tra, xử lý nghiêm, chắc chắn hoạt động vận tải khách sẽ dần đi vào nền nếp.

Taxi "dù" - Trả về địa phương quản lý

Theo Sở GTVT Hà Nội, ngoài con số hơn 17.400 xe taxi đã đăng ký, Hà Nội còn có khoảng 2.000 xe taxi đăng ký kinh doanh tại các tỉnh, thành lân cận nhưng chủ yếu hoạt động trên địa bàn Thủ đô. Không chỉ gây ùn tắc giao thông, không ít vụ việc gian lận cước thời gian qua có liên quan những chiếc taxi "dù" này. Vì vậy, Hà Nội đã chủ động đề nghị Bộ GTVT cho phép đổi phù hiệu taxi riêng của địa phương.

Trong khi Hà Nội đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm xử lý triệt để tình trạng taxi "dù" thì có thể nói Nghị định 86/CP với quy định chặt chẽ càng tạo điều kiện để công tác quản lý được hiệu quả hơn. Theo quy định của Chính phủ, xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị đặc biệt, trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Từ ngày 1-7-2016, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách. Trước ngày 1-7-2015, tất cả các xe taxi phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; từ ngày 1-1-2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi phải có tối thiểu 10 xe, riêng đô thị đặc biệt phải có tối thiểu 50 xe…

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Hà Nội không hạn chế xe taxi từ các địa phương khác đưa đón khách về Thủ đô nhưng sẽ cấm triệt để taxi ngoại tỉnh hoạt động cố định trên địa bàn. Với phù hiệu taxi riêng (do Hà Nội chủ động thực hiện để phân biệt với các địa phương khác) và với các quy định chặt chẽ về hóa đơn tính cước, thiết bị giám sát hành trình (từ Nghị định 86), cơ quan chức năng sẽ dễ dàng phân biệt đâu là taxi hợp pháp, đâu là taxi "dù" để có biện pháp xử lý phù hợp. Người dân cũng dễ dàng phân biệt để lựa chọn xe chính hãng nhằm bảo đảm quyền lợi khách hàng. Với các xe taxi "dù" bị phát hiện hoạt động cố định tại Thủ đô, ngoài xử phạt trực tiếp các lỗi vi phạm, Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ gửi văn bản yêu cầu Sở GTVT địa phương đó thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

(HNM) - Ngày 17-9, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tuyên truyền về Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-12-2014, thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP và Nghị định 93/2012/NĐ-CP. Nghị định 86/2014/NĐ-CP có một số điểm mới: Thủ tục cấp và thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải (KDVT) được đơn giản và rút ngắn từ 15 ngày (theo quy định của Nghị định 91) xuống còn 5 ngày; bổ sung trường hợp đơn vị KDVT bị thu hồi giấy phép kinh doanh khi vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng... Ngoài ra, cũng theo nghị định này, Bộ GTVT phải tổ chức lập, phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; hệ thống các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ; tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động KDVT bằng xe ô tô; thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về KDVT bằng ô tô…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Siết” lại quản lý kinh doanh vận tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.