(HNM) - Là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, nên đã có những thời điểm thành phố Hà Nội đối diện với không ít khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng khi số vụ vi phạm xảy ra nhiều, trong đó có một số vụ có tính chất phức tạp. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt năm 2020, vi phạm trật tự xây dựng đã và đang được kéo giảm một cách hiệu quả. Điều này được minh chứng qua những con số chuyển biến rất tích cực khi 2020 là năm thứ tư liên tiếp tỷ lệ công trình xây dựng vi phạm giảm, chỉ còn 2,13% (năm 2016 là 13,9%).
Có được kết quả này là do thành phố triển khai nhiều giải pháp quản lý phù hợp với thực tiễn; cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã coi việc quản lý trật tự xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; việc tuân thủ quy hoạch được chú trọng... Kỷ luật, kỷ cương được tăng cường cũng đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực này. Thêm một đóng góp đáng kể trong sự chuyển biến trên phải nói đến việc thành phố đã kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng quản lý trật tự xây dựng theo mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Từ mô hình này, việc quản lý trật tự xây dựng được xác định rõ trách nhiệm theo từng cấp, từng ngành; tăng tính hiệu quả trong công tác phối hợp, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Tuy chuyển biến rất đáng ghi nhận, nhưng trước yêu cầu đòi hỏi mới, vẫn cần phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng. Thực tế cho thấy, lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại chỗ, đặc biệt là cấp xã, phường có vai trò rất quan trọng. Do đó, đội ngũ này cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám địa bàn để không bỏ lọt vi phạm. Mặt khác, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm cụ thể với cán bộ được phân công phụ trách địa bàn; khi không hoàn thành nhiệm vụ phải bị xử lý nghiêm theo quy định. Đặc biệt, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu về việc để xảy ra vi phạm hoặc không xử lý vi phạm kịp thời...
Bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cấp quản lý để sớm phát hiện, ngăn chặn vi phạm, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, giám sát chéo. Với những địa bàn có số lượng lớn công trình xây dựng, nơi đang thực hiện quy hoạch, triển khai dự án mới, các địa phương cần bố trí đủ lực lượng giám sát trong mọi thời điểm, nhất là trong dịp lễ, Tết để bảo đảm mọi vi phạm được xử lý từ khi mới phát sinh.
Mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện quản lý đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Hà Nội tiếp tục thực hiện thí điểm đến ngày 10-8-2023. Do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện mô hình để hoạt động hiệu quả hơn nữa. Mặt khác, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định về xây dựng. Khi nắm chắc quy định, người dân sẽ tuân thủ, đồng thời là “tai mắt”, giúp lực lượng chức năng phát hiện vi phạm. Các địa phương cũng nên công khai số điện thoại, lập nhóm thông tin qua mạng xã hội để người dân dễ kết nối, phản ánh vi phạm.
Thực tế, việc kiên quyết xử lý mọi công trình vi phạm có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn. Điều này càng phải làm nghiêm túc hơn bởi đó là trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện chủ đề công tác năm 2021 của thành phố Hà Nội: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chắc chắn công tác quản lý trật tự xây dựng sẽ ngày càng hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.