(HNM) - Doanh nghiệp “đi đêm” với cán bộ thuế là vấn đề không mới nhưng vẫn luôn
Việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp sẽ giúp kiểm soát tình trạng “đi đêm” với cán bộ thuế. Ảnh: Viết Thành |
Nhiều cán bộ thuế có vi phạm
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV về tình trạng doanh nghiệp “đi đêm” với cán bộ thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kết quả thăm dò của Tổng cục Thuế, năm 2015 có 63% doanh nghiệp có "đi đêm" với cán bộ thuế, nhưng đến 2016 đã giảm xuống còn 31%.
Còn theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế (Tổng cục Thuế), trong năm 2016, Tổng cục Thuế đã rà soát chống thất thu thuế tại hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, qua đó tăng thu ngân sách gần 5.000 tỷ đồng. Trong số 14.352 hộ kinh doanh được kiểm tra, khảo sát, có tới 73,4% có kết quả điều chỉnh tăng doanh thu khoán.
Thực trạng này bắt nguồn từ việc cơ chế thuế khoán cố định đối với hộ kinh doanh đã bị lợi dụng nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách. Nghiêm trọng hơn, còn có tình trạng cán bộ thuế “bắt tay” với hộ kinh doanh để thỏa thuận mức thuế thấp.
Kết quả khảo sát do Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: Có tới 70% hộ kinh doanh có thỏa thuận về mức thuế khoán với cán bộ thuế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi trở thành doanh nghiệp. Thậm chí, ngay cả cán bộ thuế một số địa phương cũng không muốn hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vì khi đó doanh nghiệp sẽ không còn trong phạm vi quản lý của họ.
Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế đã thực hiện 829 cuộc kiểm tra nội bộ, qua đó phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý hơn 17 tỷ đồng. Đồng thời, phát hiện 355 cán bộ thuế vi phạm quy định; trong đó có không ít trường hợp cán bộ quản lý thu, nộp thuế hộ kinh doanh không nộp tiền vào ngân sách nhà nước kịp thời theo quy định, có dấu hiệu gian lận, tham ô, chiếm dụng tiền thuế...
Trên thực tế, việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp sẽ giúp kiểm soát tình trạng “đi đêm” với cán bộ thuế, thỏa thuận ngầm về mức thuế khoán. Tuy nhiên, việc phải đối mặt với kiểm tra, thanh tra thuế nhiều hơn khi trở thành doanh nghiệp lại khiến nhiều hộ kinh doanh tỏ ra ngại ngần.
Chị Phạm Hoàng Anh, một tiểu thương kinh doanh tại quận Thanh Xuân cho rằng, quy định doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ chứng từ kế toán tối thiểu 10 năm, đồng nghĩa có thể bị truy thu thuế trong vòng 10 năm đã khiến các hộ kinh doanh chần chừ không muốn lên doanh nghiệp.
Chấn chỉnh công tác quản lý thuế khoán
Phân tích về thực trạng trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Theo các cuộc khảo sát của đơn vị này, có đến 70% doanh nghiệp hiện nay có nguồn gốc từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Động lực kinh tế để các hộ kinh doanh nhỏ đăng ký thành lập doanh nghiệp còn rất mơ hồ, trong khi thủ tục, chính sách kế toán và thuế còn cồng kềnh, cứng nhắc. Quan trọng hơn, khi là hộ kinh doanh thì như “khuyết danh”, không ai biết tới, còn thành doanh nghiệp dễ bị các đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp “để ý”...
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cần tạo ra động lực để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, qua đó chống thất thu ngân sách nhà nước. Trong đó, phải thay đổi hệ thống kế toán, thuế theo hướng đơn giản, dễ dàng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Để hạn chế tình trạng cán bộ thuế “đi đêm” với hộ kinh doanh, doanh nghiệp, nên công khai số thuế của các hộ kinh doanh cùng mặt hàng, ở cùng khu vực để có sự giám sát lẫn nhau.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết: Những tháng cuối năm 2017, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện kế hoạch chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý thuế khoán đối với các cơ sở kinh doanh. Mục đích của kế hoạch trên là bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và người nộp thuế, tránh lợi dụng hộ kinh doanh khoán thuế để sử dụng hóa đơn vào các mục đích bất hợp pháp.
Từ đó, cơ quan thuế sẽ chuyển các hộ kinh doanh lớn đang nộp thuế theo hình thức khoán sang kê khai và mở sổ kế toán. Tổng cục Thuế sẽ lựa chọn tối thiểu 10 đơn vị trên địa bàn toàn quốc để kiểm tra. Trên cơ sở danh sách này, cơ quan thuế sẽ phối hợp với công an, quản lý thị trường… thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, khảo sát tại địa điểm kinh doanh để xác định doanh thu bình quân.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung mới đây đã ký ban hành Công văn số 4422/UBND-KT về việc chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh. Theo đó, thành phố yêu cầu cơ quan thuế tăng cường kiểm tra chống thất thu, chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh; tập trung vào nhóm đối tượng: Hộ kinh doanh có quy mô lớn đáp ứng điều kiện trở thành doanh nghiệp nhưng chưa chuyển thành doanh nghiệp; hộ kinh doanh sử dụng nhiều hóa đơn; hộ kinh doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có ngành nghề ăn uống, dịch vụ có thương hiệu nổi tiếng, hoạt động theo mô hình chuỗi có từ 2 địa điểm kinh doanh trở lên; hộ kinh doanh còn nợ thuế...
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Cục Thuế đã kiểm tra 9.915 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 925 hộ kinh doanh, qua đó đã tăng thu hơn 625,4 tỷ đồng. Riêng hộ kinh doanh, đã có 858/925 hộ (chiếm 92,7%) có kết quả tăng doanh thu và ấn định mức thuế sau kiểm tra, với tổng số tiền tăng thêm 275,6 triệu đồng/tháng. Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cơ quan thuế đã truy thu và phạt với tổng số tiền 624 tỷ đồng.
Liên quan công tác chống thất thu ngân sách, tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, để hạn chế tình trạng “đi đêm” giữa hộ kinh doanh với cán bộ thuế, giải pháp quan trọng trước hết là tuyên truyền, giáo dục, quản lý cán bộ thuế. Tiếp đó, Bộ Tài chính sẽ thay đổi quy trình nghiệp vụ, công khai mức thuế khoán của hộ kinh doanh; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nội bộ, nhất là với các đội thuế xã, phường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.