Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý, sử dụng đất công tại thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Lê| 13/10/2022 18:28

(HNMO) - Chiều nay (13-10), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Tại họp báo, vấn đề quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố nhận được nhiều sự quan tâm. 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh trả lời tại họp báo.

Trước câu hỏi liên quan đến vấn đề thu hồi đất công (đất do Nhà nước quản lý) nhưng sang nhượng không đúng quy định của pháp luật, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của các tổ chức sử dụng đất thường xuyên được thành phố theo dõi, chỉ đạo và có kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, hoặc khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, báo chí.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra, sẽ kịp thời phát hiện sai phạm (nếu có) để xử lý vi phạm hành chính hoặc thu hồi đất theo quy định”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Liên quan đến thực trạng các dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố triển khai rất chậm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố lý giải, nguyên nhân do công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án cần thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nội dung các đồ án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa chú trọng nhiều đến việc xem xét khả năng tài chính để thực hiện; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và đầu tư xây dựng còn hạn chế; quy trình, thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt đối với các dự án lớn phải trải qua nhiều bước, cần có sự thống nhất giữa các sở, ngành liên quan nên thời gian thực hiện kéo dài…

“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có sử dụng đất, công tác cải cách hành chính trong quản lý đất đai giữ vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đang được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết theo thẩm quyền, là cơ sở để các dự án sớm được triển khai”, ông Nguyễn Tiến Dũng thông tin.

Liên quan đến vấn đề xuất, nhập khẩu hàng hóa trước bối cảnh tình hình an ninh thế giới diễn biến phức tạp, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kim ngạch xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý III-2022 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng với mức tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý IV-2022, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, hội thảo giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như RCEP, CPTPP, EVFTA để tăng trưởng xuất khẩu.

“Dự kiến, trong tháng 11-2022, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị kết nối hàng Việt Nam xuất khẩu, kết nối với ngành Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của vùng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi giá trị”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay.

Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến 18h ngày 12-10, có 620.791 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại thành phố được Bộ Y tế công bố, bao gồm 619.833 ca nhiễm trong cộng đồng, 958 ca nhập cảnh; số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 12-10 gồm: 8.685.360 mũi 1, 7.731.899 mũi 2, 689.519 mũi bổ sung, 4.793.368 mũi nhắc lại lần 1, 1.515.615 mũi nhắc lại lần 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý, sử dụng đất công tại thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.