(HNM) - Sau 2 tuần ra quân triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021 (từ ngày 15-4), các đoàn liên ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng dịch Covid-19. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn có nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng tăng cường giám sát, siết chặt quản lý hơn nữa trong thời gian tới.
Chấn chỉnh từ vi phạm nhỏ
Trong những ngày đầu Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), toàn huyện Thanh Trì có 17 đoàn kiểm tra tuyến huyện và tuyến xã, thị trấn, đã ra quân kiểm tra 239 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó có 209 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 87,4%), 26 cơ sở bị nhắc nhở, 4 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền gần 7 triệu đồng. Riêng đoàn kiểm tra tuyến huyện đã xử lý vi phạm 1 nhóm lớp mầm non tư thục vi phạm an toàn thực phẩm với số tiền 4 triệu đồng.
Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung cho biết, vi phạm xảy ra chủ yếu là cơ sở vật chất không bảo đảm điều kiện vệ sinh; không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm; người chế biến thực phẩm không đeo khẩu trang… Tuy nhiên, với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tương đối lớn, nhân lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm lại mỏng, nhất là tuyến xã còn chưa có cán bộ chuyên trách, nên việc xử lý vi phạm gặp không ít khó khăn.
Cùng với công tác phòng dịch Covid-19, huyện Sóc Sơn cũng đẩy mạnh việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh ăn uống. Tại buổi kiểm tra đột xuất nhà hàng Phù Đổng (huyện Sóc Sơn), Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện khu chế biến thực phẩm của nhà hàng thiếu hệ thống chống côn trùng xâm nhập, việc tiếp nhận thực phẩm đầu vào chưa tuân thủ theo quy định. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội yêu cầu, cơ quan chức năng của địa phương phải xử lý nghiêm túc, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm tại nhà hàng này.
Còn tại chợ Thái Hà (quận Đống Đa), Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh giò chả, thực phẩm chế biến sẵn chưa tuân thủ việc ghi nhãn mác sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng theo quy định… Theo Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa Lê Thị Hoàng Ngân, bên cạnh những cơ sở chấp hành nghiêm vẫn tồn tại một số cơ sở nhỏ lẻ, địa điểm kinh doanh không cố định tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Quận đã yêu cầu các phường tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở; không được chủ quan, lơ là trong bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng dịch.
Không nương tay với vi phạm
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong tháng 4-2021, cả nước xảy ra 7 vụ với 73 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó tại tỉnh Sóc Trăng có 1 người tử vong. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 473 người mắc, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, ngay trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã xảy ra 2 sự cố an toàn thực phẩm tại Trường liên cấp Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal và Trường Phổ thông quốc tế Isaac Newton, khiến 6 học sinh phải nhập viện theo dõi nhiễm khuẩn đường ruột.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố, qua kiểm tra cho thấy, trong 2 tuần triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Tuy nhiên, với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn rất lớn, lên tới hơn 83.000 cơ sở, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn.
Do đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được các địa phương tiếp tục siết chặt và tăng cường thường xuyên, liên tục, không chỉ trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm. Thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất công tác triển khai an toàn thực phẩm và phòng dịch của cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Về nhiệm vụ này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh, các đoàn kiểm tra của địa phương không được nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm. Thậm chí, sau khi xử lý, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép cho hoạt động, nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.