(HNM) - Ngày 23-11, BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV tổ chức hội nghị lần thứ 7 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố năm 2011 và Kế hoạch năm 2012.
Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP cho biết, mặc dù không đạt một số chỉ tiêu kế hoạch, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, KTXH, an ninh quốc phòng Thủ đô vẫn đạt những kết quả rất đáng phấn khởi. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 10,13%. Lạm phát được kiềm chế, từ chỗ giá tiêu dùng vào tháng 4-2011 tăng 3,28%, đến tháng 10, mức tăng chỉ còn 0,13% thấp hơn mức tăng trung bình của cả nước (0,36%). Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 123.600 tỷ đồng, vượt 7,1% dự toán HĐND TP và vượt 9,3% dự toán Chính phủ giao. An ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vấn đề an sinh xã hội được quan tâm chăm lo, trong đó hơn 24.000 hộ được hỗ trợ thoát nghèo; hàng vạn gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời…
Đa số các phát biểu đều đồng tình với đánh giá kết quả phát triển KTXH, ANQP TP năm 2011. Nhiều đại biểu cho rằng, công tác phân cấp quản lý KTXH trong năm 2011 có những chuyển biến rõ nét, xây dựng nông thôn mới có tiến bộ… BCH Đảng bộ TP thống nhất đánh giá, năm 2011, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô bằng quyết tâm cao, đoàn kết nhất trí đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu quan trọng tạo tiền đề quan trọng để TP bước vào năm 2012 lập thành tích cao hơn.
BCH Đảng bộ TP đã bàn thảo và cơ bản nhất trí với Kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 do Ban cán sự Đảng UBND TP dự kiến bao gồm 15 chỉ tiêu, như: GRDP tăng 10-10,5%, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 15%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 15-17%, tạo việc làm mới cho 139.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,2% (giảm 23.000 hộ), tăng thêm 100.000m3 nước sạch/ngày đêm, 100% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 86% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, 100% cụm công nghiệp xây dựng mới và 50% các cụm công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lý nước thải… Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần phải "tô đậm" nội dung quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, cải cách hành chính…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong năm 2011. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên thành công là tinh thần đoàn kết, nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận cao trong nhân dân. Dành nhiều thời gian phân tích những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành TP phải tập trung nhiều hơn giải quyết các nguyên nhân chủ quan, khắc phục những yếu kém, siết chặt kỷ luật kỷ cương; tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng kiên quyết, dứt điểm, đề cao trách nhiệm cá nhân từng cán bộ…
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2012, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành cần khẩn trương rà soát, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Kết thúc hội nghị, BCH Đảng bộ TP đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Hội nghị, tạo cơ sở để UBND TP tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trình HĐND TP trong kỳ họp thứ ba dự kiến diễn ra ngày 9-12 tới.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (Trích phát biểu kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại hội nghị) Thành ủy nhất trí cao với định hướng nhiệm vụ và mục tiêu tổng quát năm 2012, trọng tâm là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tập trung xây dựng các công trình hạ tầng khung, phát triển đô thị bền vững; khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học, y tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường mở rộng hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô. Hội nghị cũng có nhiều ý kiến đóng góp vào 15 chỉ tiêu chủ yếu, 4 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng năm 2012, đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện Báo cáo, trình HĐND xem xét, quyết định, nhất là một số chỉ tiêu chủ yếu; đồng thời, tôi xin nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2012. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở từng cấp, từng ngành. Lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện và từng địa phương, đơn vị phải phối hợp chặt chẽ, chủ động đề xuất, giải quyết khó khăn, vướng mắc vì nhiệm vụ chung, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đặc biệt là nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí bí thư, thường vụ cấp ủy, cấp ủy viên các cấp; các đồng chí đảng viên trong các chi, đảng bộ, quy định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị. Thứ hai, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương và thực hiện có hiệu quả 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá. Tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Hỗ trợ sản xuất, ổn định nguồn cung, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình: Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khuyến công; đẩy mạnh xuất khẩu;... Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Chú trọng đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, có hàm lượng chất xám, công nghệ mang lại giá trị gia tăng cao. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp, ổn định vành đai xanh cho đô thị. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, vốn xã hội hóa. Đặc biệt, hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực để tập trung phát triển các lĩnh vực, đầu tư dự án có tác động lan tỏa lớn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả. Đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư; tập trung vốn cho các công trình dự án cấp thiết hoàn thành trong năm 2012. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Thứ ba, tăng cường công tác quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện, phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch ngành, các quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng, khu đô thị theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô). Cùng với việc quy hoạch, chúng ta phải hết sức coi trọng công tác quản lý quy hoạch để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như trong thời gian qua. Tăng cường công tác quản lý đô thị, nhất là kỷ cương trong xây dựng đô thị, kiên quyết xử lý nhà không phép, sai phép, nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là tại các khu đô thị mới. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm giao thông đô thị. Phát triển giao thông tĩnh, xã hội hóa đầu tư các bến, bãi đỗ xe. Thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự an toàn giao thông; trước mắt, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và thực hiện tốt chủ trương điều chỉnh giờ làm việc theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường; chú trọng giải quyết các vấn đề môi trường ở các làng nghề, khu công nghiệp, khu đô thị; tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, không phù hợp với quy hoạch; tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính của thành phố. Từng cấp, từng ngành, từng đơn vị cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát thủ tục hành chính để việc nào có thể đơn giản thủ tục, rút ngắn được thời gian thì khẩn trương thực hiện. Tiếp tục chuẩn hóa và nâng cao ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đối với toàn bộ cơ quan hành chính từ thành phố đến cơ sở và tất cả các thủ tục hành chính. Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các chính sách trợ giúp xã hội; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Giải quyết có hiệu quả công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, nhất là cho những người thuộc diện bị thu hồi đất để GPMB và lao động nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, như: nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông; không xả rác ra đường và những nơi công cộng; ứng xử có văn hóa, văn minh với mọi người; thực hiện nói lời hay, làm việc tốt… Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục; đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập, THCS, nhất là ở các khu đô thị, khu đông dân cư. Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thứ năm, tiếp tục xây dựng, củng cố, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; nắm chắc tình hình, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu. Triển khai nghiêm túc các kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, thể thao quan trọng. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo và đại đoàn kết dân tộc. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và thế trận an ninh nhân dân kết hợp với quốc phòng toàn dân; tổ chức các lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống phức tạp về an ninh trật tự, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tăng cường ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.