Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ tập trung hát thính phòng bằng tiếng Việt

Yên Nga| 31/08/2015 06:57

(HNM) - Trong 3 cô gái giành quán quân các dòng nhạc của Sao Mai 2015, đáng chú ý nhất là Nguyễn Bảo Yến - du học sinh trở về từ Nga ở phong cách thính phòng. Các phần thi của Bảo Yến thể hiện nội lực tràn đầy với kỹ thuật điêu luyện và thanh âm cao vút.

Nguyễn Bảo Yến



- Rất bất ngờ khi biết Bảo Yến sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, vậy ai phát hiện ra giọng hát rồi định hướng bạn vào con đường âm nhạc hàn lâm bài bản như vậy?

- Ngày nhỏ ở Lào Cai tôi rất thích ca hát và tham gia các phong trào văn nghệ, nhưng vì nơi miền núi xa xôi, gia đình không ai làm nghệ thuật nên không ai định hướng cho tôi là ca sĩ chứ chưa nói đến việc theo đuổi âm nhạc thính phòng. Mọi thứ đều ở chữ duyên. Khi đang học 3 năm ở Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương thì tôi quyết định thi sang Học viện Âm nhạc quốc gia, chuyên về thanh nhạc. Các thầy cô thấy tôi có chất giọng bay, nhẹ, hợp với thính phòng thế là hướng theo. Tôi lại là người chăm chỉ, càng học càng say nên tiến bộ nhanh. Sau đó, khoa có suất học bổng toàn phần duy nhất du học tại Nhạc viện Ural, thành phố Ekaterinburg, Liên bang Nga, tôi giành được và theo học đã 2 năm.

- Cô gái bé nhỏ như vậy một mình sang Nga học, chắc là vất vả lắm?


- Đúng là đi du học không sướng như mọi người nghĩ. Cô đơn, nhớ nhà, nhớ quê kinh khủng… Thời tiết bên ấy lại khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông, thức ăn cũng không hợp nên tôi càng gầy hơn. May mà cơ thể vẫn khỏe để hát được. Học bổng là toàn phần nhưng chỉ đủ học tập và sinh hoạt tối thiểu, muốn mua vé máy bay về thăm nhà hay đi du lịch phải tự lo nên tôi có tranh thủ làm thêm chút ít. Sang Nga hơn 2 năm nhưng tôi mới chỉ đến Cộng hòa Séc để thi Sao Mai khu vực Châu Âu. Hy vọng, sau đây nhiều người biết đến Bảo Yến, cộng đồng các nơi có mời thì tôi sẵn sàng hát miễn phí luôn, là dịp để đi du lịch (cười).

- Gian truân thế nhưng ca sĩ hát thính phòng cũng kém được ưa chuộng hơn những dòng nhạc khác, Bảo Yến biết chứ?

- Tôi nghĩ đấy là duyên của mình. Mỗi người có một sở trường riêng, có khi tôi hát dòng nhạc khác lại không phát huy được. Tôi biết sự thiệt thòi ấy. Theo đuổi dòng nhạc này thời gian rèn luyện và công sức bỏ ra đều kinh khủng. Tôi luôn tự nhủ mình phải kiên định, trung thành tuyệt đối với nghề, đã "bước chân đi cấm kỳ trở lại", chỉ có tiến không có lùi, mới không bỏ cuộc. Nhưng cái chính là tôi đã bị quyến rũ bởi dòng nhạc này. Mỗi khi đứng trước một ca khúc khó, tôi lại càng thấy cuốn hút, càng muốn chinh phục, say sưa tìm tòi, luyện tập cho kỳ được thành công. Quá trình ấy mới là hạnh phúc, chứ không hẳn là đỉnh cao muốn vươn tới.

- Bảo Yến thành công trong Sao Mai vừa rồi là từ hai ca khúc nổi tiếng quốc tế chuyển soạn sang tiếng Việt, nhưng nhiều người nói, hát thính phòng bằng tiếng Việt rất khó, bạn thấy sao?

- Tôi đã hát thính phòng bằng nhiều thứ tiếng nhưng không có ngôn ngữ nào lại thách thức như tiếng Việt! Tiếng Việt có 6 dấu, kể cả dấu bằng, trong đó có nhiều chữ rất "hiểm". Chẳng hạn, để lên thẳng nốt được chữ "hỡi" là cực khó, không khéo nghe thành "hơi" hoặc "hới". Chữ "ước" thì hai nguyên âm đứng cạnh nhau rồi đến phụ âm, hát không đóng được vào chữ "c" thì nghe đến chữ "ớ" thôi. Rồi những chữ có âm "ng" phải đóng ở cổ họng, trong khi tiếng nước ngoài thì không có vậy. Hai bài "Khúc hát đêm nay" và "Chim họa mi" thể hiện trong Sao Mai khi về Việt Nam tôi mới tập, chỉ có tập và tập thật lâu, thật nhiều thì mới hát tốt được thôi.

- Sau khi giành quán quân Sao Mai, con đường âm nhạc của Bảo Yến có gì thay đổi không?

- Tôi nghĩ mình vẫn vậy thôi, tiếp tục theo học cho đến khi hoàn thành chương trình 5 năm ở đây. Thực ra tôi mới bước vào học chính thức một năm, gần như học lại từ cơ bản, để lấy đúng màu giọng, hát đúng tố chất của mình. Tôi còn phải rèn luyện nhiều để nâng cao. Có khác là sau trải nghiệm ở cuộc thi vừa qua, tôi lại thấy rất hào hứng với việc vận dụng kỹ thuật hát thính phòng vào tiếng Việt. Thực ra, điểm yếu của tôi là hát tiếng Việt, kể cả các ca khúc Việt Nam, vì thế tôi muốn làm sâu. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để tìm những tác phẩm vừa tính học thuật, vừa thời thượng, thuận lợi cho việc chuyển soạn sang tiếng Việt để theo đuổi, đào sâu. Có thể đây là hướng đi mới cho giọng hát của mình.

- Cảm ơn Bảo Yến!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ tập trung hát thính phòng bằng tiếng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.