Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn trong năm 2015

Hà Phong| 14/06/2013 19:33

(HNMO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề cử tri cả nước quan tâm, ĐB Quốc hội chất vấn về tình hình kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,06%; 5 tháng tăng 2,35%, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; dư nợ tín dụng chuyển dịch theo hướng tốt hơn, tăng 2,98%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu tăng 15,1%, nhập khẩu tăng 16,8%. Vốn FDI đăng ký đạt 8,52 tỷ USD, tăng 8,9%; giải ngân đạt 4,58 tỷ USD, tăng 1,6%; giải ngân vốn ODA đạt 1,5 tỷ USD, bằng 31,3% kế hoạch cả năm, cao hơn so với cùng kỳ (25%). Tuy nhiên, đúng như nhận định của nhiều ĐB quốc hội, kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ nay đến cuối năm 2013, Chính phủ sẽ kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 14/6. Ảnh: VGP


Riêng đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới giải pháp về tín dụng. Đặc biệt là chủ trương tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới, ưu tiên vốn cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Đồng thời, mỗi tháng đưa khoảng 40.000 tỷ đồng vốn tín dụng vào nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013.

Nhận định việc triển khai gói hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà trị giá 30.000 tỷ đồng còn chậm, Phó Thủ tướng khẳng định, trong năm nay sẽ cố gắng giải ngân khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng. Song song với quá trình này, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng khẩn trương đưa Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động để tập trung xử lý 105 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015.

Trước chất vấn của nhiều ĐB quốc hội về quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là một quá trình lâu dài, phức tạp, có phạm vi rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc triển khai thực hiện cần có thời gian. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và các đề án tái cơ cấu những lĩnh vực trọng tâm; tập trung tạo lập khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện thể chế phục vụ tái cơ cấu. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các giải pháp phắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; đẩy mạnh cổ phần hóa, hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính ở nhiều đơn vị trước năm 2015.

Riêng vấn đề thua lỗ của Vinashin và Vinalines, tìm giải pháp tái cơ cấu không đơn giản. Việc xảy ra thất thoát, thua lỗ tại Tập đoàn Vinashin do hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân chủ quan là việc quản trị tập đoàn lỏng lẻo, gây thất thoát lớn. Nguyên nhân thứ hai là cũng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Hiện 19 ngân hàng trong nước đã giảm nợ cho Vinashin với những điều kiện cụ thể. Các khoản giảm này rất lớn nhưng trước khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại, 2 đơn vị này vẫn đang trong tình cảnh khó phục hồi.

Năm 2015- 20% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới

Về xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định, việc triển khai còn chậm, lúng túng. Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm của từng vùng và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Trong lĩnh vực an toàn giao thông, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt nhưng tình hình tai nạn giao thông gần đây vẫn diễn biến phức tạp, 5 tháng đầu năm số người chết do tai nạn tăng hơn so với cùng kỳ. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ triển khai hệ thống thiết bị giám sát hành trình phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Khẩn trương hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Đồng thời, rà soát, xử lý các điểm đen thường xảy ra tai nạn. Đơn vị kiểm định, Trưởng ban an toàn giao thông các địa phương phải sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu trên địa bàn mình phụ trách, tai nạn giao thông xảy ra nhiều.

Về phòng chống tội phạm, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, qua đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm lộng hành trong thời gian dài tại một số địa phương cho thấy, có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tội phạm Chính phủ sẽ kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cán bộ liên quan, công bố công khai danh sách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn trong năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.