(HNM) - Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 khép lại, tình trạng khó tuyển của nhiều trường vẫn không được cải thiện.
Năm nay, dù số thí sinh đạt điểm sàn lớn hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường tới gần 240.000 người (tăng gần 100.000 so với năm 2012), tình trạng khó tuyển của nhiều trường vẫn không được cải thiện. Thêm nữa, việc một số trường gặp khó khăn triền miên, có thể phải giải thể là nguy cơ cần tính đến.
Sau mùa tuyển sinh nhiều trường ĐH không tuyển đủ sinh viên. Ảnh: Bích Ngọc |
Trường tư khó khăn, cao đẳng bế tắc
Những ngày này, Bộ GD-ĐT phát ra yêu cầu các trường ĐH, CĐ báo cáo tình hình tuyển sinh năm 2013. Ngày 15-11 mới là hạn cuối phải gửi số liệu cụ thể về Bộ, tuy nhiên, phản ánh chung từ nhiều trường cho thấy tình trạng không tuyển đủ sinh viên là có thật dù nguồn tuyển năm nay cao hơn năm ngoái. Tình trạng này ở các trường ngoài công lập (NCL) phía Bắc rất đáng buồn. Rất ít trường NCL tuyển đủ chỉ tiêu như Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ, ĐH Thăng Long, ĐH Phương Đông, ĐH FPT... đa số cho biết lượng hồ sơ vào trường quá ít so với chỉ tiêu. Trường ĐH Chu Văn An là một trong số ít trường công khai với báo chí số hồ sơ đáng gọi là bi đát - chỉ nhận được - 75 hồ sơ, trong khi quy mô đào tạo là 6.000 sinh viên. ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, tới sát ngày đóng lịch tuyển sinh, trường vẫn còn thiếu hàng trăm chỉ tiêu hệ ĐH, với hệ CĐ và TCCN thì còn khó khăn hơn.
Đặc biệt, năm nay, với các trường CĐ là một mùa tuyển sinh chật vật hơn bao giờ hết do việc siết chặt đào tạo liên thông sau khi có Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, người có bằng tốt nghiệp đủ 36 tháng mới được thi liên thông để lên trình độ, nếu chưa đủ thì phải thi "3 chung" trong kỳ thi chính quy với học sinh tốt nghiệp THPT. Quy định này đã khiến thí sinh tìm mọi cách để thi ĐH thay vì đi đường vòng bấp bênh là thi qua CĐ. Do quá ít thí sinh, có trường ĐH đã phải dừng hẳn việc tuyển sinh hệ CĐ để tập trung cho hệ ĐH. Nhiều trường CĐ "sống nhờ liên thông" phải đối diện với thực tế là số người theo hình thức đào tạo này chắc chắn sẽ sụt giảm.
Theo Vụ trưởng Vụ GD-ĐH Bộ GD-ĐT Bùi Anh Tuấn thừa nhận: Việc tuyển sinh của các trường NCL năm nay vẫn có sự phân hóa dù đã có chuyển biến nhất định. Ngoài một số trường có kết quả khả quan, số lượng thí sinh đăng ký và nhập học ở nhiều trường là rất ít. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn giữ quan điểm là những trường này cần phải nhìn nhận lại, xem xét, đánh giá khách quan nguyên nhân của vấn đề bởi kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ thì ngoài nguồn tuyển, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như uy tín, truyền thống của nhà trường, chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Trong khi đó, thời gian qua, một số trường đã không bảo đảm được môi trường sư phạm, mâu thuẫn nội bộ kéo dài, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên chưa được quan tâm đầu tư. Như vậy thì khó có thể thu hút thí sinh cũng như thuyết phục phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em.
Liệu có giải thể?
Những đong đếm hay dở của mùa tuyển sinh 2013 còn chưa được nêu ra chi tiết, song, rõ ràng là sự thay đổi ở kỳ thi vừa qua, chẳng hạn như tăng lượng thí sinh trên mức điểm sàn, đã không đem lại kết quả khả quan trong việc tuyển sinh của các trường NCL. Điều đáng nói là tình trạng này đang khiến cho nhiều trường đứng trước nguy cơ giải thể.
Trước nguy cơ này, Hiệp hội các trường NCL đã đề nghị, thay vì yêu cầu các trường ĐH, CĐ NCL giải thể, Bộ GD-ĐT và các ngành liên quan hãy tạo cơ hội cho các trường hoạt động bằng cơ chế thông thoáng hơn, các trường ĐH, CĐ NCL cần được quan tâm như các trường công lập. Nhấn mạnh tới sự thiếu công bằng, ông Cao Văn Phường, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài NCL dẫn giải: Trong 10 năm trở lại đây, trường ĐH công lập ở các địa phương ra đời liên tục, không phù hợp với quy hoạch. Các trường này được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cấp đất và hỗ trợ cho sinh viên khoảng 6 triệu đồng/ năm nên học phí chỉ bằng 1/3 so với học phí ở các trường NCL. Các trường công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu, có trường mới mở nhưng tuyển sinh hàng chục ngành đào tạo. Những việc này không được kiểm soát và xử lý, tạo nên sự cạnh tranh không công bằng giữa trường ĐH công lập và NCL.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, trong dịp tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH NCL cho rằng, khi các trường NCL gặp khó khăn, một số quan chức giáo dục vội đề cập tới việc giải thể đối với các trường không có khả năng tuyển sinh, như vậy là thiếu trách nhiệm. Theo bà Nguyễn Thị Bình, chính công tác quản lý giáo dục thiếu nhất quán khiến cho các trường NCL gặp khó khăn, trong đó có khâu tuyển sinh. Ngành giáo dục cho thành lập trường tư, nhưng gần đây lại phê duyệt tăng chỉ tiêu tuyển của các ĐH công lập tầng trên, nơi sẵn có cơ sở vật chất và đội ngũ, điều này tạo cơ hội cho các ĐH tầng trên lấn sân tuyển sinh của các ĐH tầng dưới, trong đó có các trường ĐH NCL.
Sự cần thiết thay đổi thể thức tuyển sinh "3 chung" gần đây lại được nêu ra. Bà Nguyễn Thị Bình gợi ý: Một số chuyên gia về đánh giá giáo dục cho biết, nếu sử dụng công nghệ đánh giá hiện đại thì ngoài việc đo lường chính xác hơn năng lực thí sinh, còn có thể điều khiển sự phân bố phổ điểm thi sao cho từng tầng trường ĐH có thể tuyển sinh theo yêu cầu.
Cho rằng khó có thể tồn tại mà đợi tới năm 2015 để có thể tự chủ tuyển sinh theo lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường NCL đang rất muốn Bộ cho phép tổ chức kỳ thi riêng. Ông Văn Đình Ưng, Trưởng ban thông tin của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng: Với tinh thần của phương án này, cùng với một số phương án khác do các đơn vị trong ngành giáo dục đề xuất, Bộ GD-ĐT có thể tổ chức góp ý kiến để xây dựng phương án tối ưu. Thực tế, dù phương án thi tuyển sinh tốt thế nào thì theo thời gian cũng sẽ bộc lộ hạn chế nào đó, đòi hỏi sự nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện trong từng giai đoạn.
Bộ GD-ĐT khẳng định tiếp tục nghiên cứu đổi mới thi tuyển sinh mà không chờ phải đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Tuy nhiên, đổi mới phải bảo đảm không tạo ra cú sốc cho xã hội. Trước mắt, Bộ đang xem xét khả năng cho mở một kỳ tuyển sinh mùa xuân đối với các trường quá ít thí sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.