(HNM) - Nhà hát Tuổi trẻ vừa ra mắt vở kịch mới “Sau lưng là cả bầu trời”. Vở kịch tâm lý của tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn NSND Lê Khanh, ê kíp phần nhiều là nữ.
Một cảnh trong vở kịch “Sau lưng là cả bầu trời”. |
Hơn một chục năm ở vai trò đạo diễn nhưng NSND Lê Khanh không dàn dựng nhiều. Chị có những suy tư, đắn đo, muốn ít nhiều phải chọn được kịch bản mang tính thách đố một chút, lạ một chút, rồi phải tìm ra được hướng dàn dựng... Cầm trong tay kịch bản của tác giả Lê Thu Hạnh đến 2 năm, dù thấy “đồng cảm, trắc ẩn, thẳm sâu”, Lê Khanh mới bắt tay vào thực hiện “Sau lưng là cả bầu trời”. Đây là một vở kịch hiện thực tâm lý, nhiều người ngại vì không dễ thể hiện, lại lo không ăn khách.
Câu chuyện về một gia đình có 4 người phụ nữ thuộc ba thế hệ: Bà ngoại Tuyền, người mẹ Cầm, hai cô con gái Miên và Hoài. Họ sống khép kín trong một ngôi nhà với ô cửa sổ không mở bao giờ. Có những lý do sâu thẳm, có những vết sẹo cuộc đời, có những va vấp mà không dễ gì người phụ nữ vượt được qua. Theo năm tháng, từ đời mẹ đến đời con, họ mất đi sự tự tin, lòng tin và khép chặt mình, e dè không muốn con cháu mình bước ra bên ngoài. Không chỉ thế, vở kịch còn nói lên vấn đề của thời đại, đó là sự cô đơn giữa những người thân. Vở diễn có cái kết đẹp, khi mà chính người tưởng như "khuyết tật nhất" là Hoài lại là người khao khát sống mãnh liệt nhất, đã mở tung cánh cửa sổ để thoát ra, kéo những người thân của mình tới bầu trời mới.
NSND Lê Khanh muốn dựng một vở diễn mà khán giả được trải nghiệm sâu sắc. Chị đã kết hợp các yếu tố nghệ thuật như kịch nói, múa, hình thể, hình ảnh, âm nhạc, ánh sáng hiện đại trong vở diễn. Không giống với những tác phẩm sân khấu sử dụng nghệ thuật khác chỉ để minh họa cho kịch, ở đây, Lê Khanh sử dụng ngôn ngữ hình thể thay cho ngôn từ, dùng hình ảnh ghi sẵn phát trên màn hình tương tác trực tiếp với diễn viên. Thay vì cho một nhân vật nam xuất hiện trên sân khấu, đạo diễn để cho anh này xuất hiện trên màn hình với những cuộc điện thoại cùng các nhân vật nữ. Thế là, sân khấu chỉ có 4 diễn viên nữ từ đầu đến cuối: Hoa Thúy (bà Tuyền), Nguyệt Hằng (Cầm), Hương Thủy (Miên), Lệ Quyên (Hoài). Phần biểu diễn hình thể do NSND Kiều Lê hướng dẫn, âm nhạc do nhạc sĩ Giáng Son đảm nhận với ca khúc chủ đạo nhẹ nhàng, mênh mang “Em vẫn mơ về” rất phù hợp với vở diễn. Toàn bộ hình ảnh do NSƯT Phạm Việt Thanh thiết kế. Ánh sáng tối giản, chỉ trắng - ngày và vàng - đêm, góc quay nhân vật nam duy nhất luôn khuyết hình, nhập nhoạng… Tất cả các loại hình nghệ thuật hòa vào nhau, hỗ trợ nhau thể hiện một câu chuyện tâm lý về tình yêu, hạnh phúc gia đình, lòng tin…
Vở diễn không quá dài, đạo diễn nhấn nhá để khi khán giả bước ra khỏi rạp nhớ những câu nói của nhân vật bởi chúng gần gũi với cuộc sống và thời đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.