(HNM) - Như nhận xét của chuyên gia trong và ngoài nước tại hội nghị thường niên các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, công tác tuyển chọn, săn nhân tài cho đến việc bố trí, đào tạo, chính sách lương thưởng, phúc lợi, tôn vinh để giữ chân người giỏi và luôn luân chuyển, bố trí lại, nhanh chóng loại bỏ người kém khả năng... chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức.
Tóm lại là công tác cán bộ, công tác nhân sự còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu rõ, một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước...
Và thực tế cho thấy, việc bố trí cán bộ không… chuẩn, không phù hợp còn là nguyên nhân căn bản dẫn đến những sai phạm hoặc làm ăn thua lỗ tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian vừa qua, mà điển hình là các vụ việc tại Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)… Trong khi đó, với các doanh nghiệp có tiếng tăm trên thế giới, sự thành công của họ đều có điểm chung là những chính sách, chiến lược tổ chức, quản lý nhân sự rất khoa học. Nói cách khác, việc dùng người, bố trí, sắp xếp người chuẩn xác chính là yếu tố quyết định sự thành công. Đã có thời gian dài tồn tại suy nghĩ là cán bộ, đảng viên, mọi cương vị, công việc đều có thể đảm đương và làm tốt. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cho dù cán bộ, đảng viên có thể có tâm, có đức nhưng chỉ điều đó là chưa đủ; không có năng lực chuyên môn thì khó có thể hoàn thành trọng trách được giao. Thiếu tư duy, chiến lược kinh tế, trình độ kỹ thuật nghiệp vụ thì sẽ định hướng, chỉ đạo cấp dưới cụ thể ra sao? Thật nguy hiểm khi ngay tại một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước vẫn có những người ngồi vào ghế lãnh đạo mà không có kiến thức, hiểu biết nhất định về ngành nghề được giao trách nhiệm phụ trách. Phân tích những khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại Vinashin có thể dẫn chứng cho điều đó. Nhiều vụ việc mà người lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị đã bị truy tố trước pháp luật với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", sự thực thì chưa hẳn là như vậy mà còn do họ thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức chuyên sâu, điều đó dẫn đến những sai lầm trong chỉ đạo điều hành, hoặc không thể thể hiện được trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành… Ấy là chưa nói tới chuyện làm ăn chụp giật, tư tưởng vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Trong tình hình hiện nay có thể thấy, những vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương, của từng cấp, từng ngành đều liên quan tới công tác cán bộ, đòi hỏi những người hội tụ đủ phẩm chất và năng lực ở từng vị trí. Việc quy hoạch, cơ cấu cán bộ là cần thiết trong chiến lược đào tạo nguồn. Tuy nhiên cùng với đó phải dựa trên những tiêu chuẩn, quy chế cụ thể, phương pháp khoa học, khách quan để đánh giá "tâm" và "tầm" của cán bộ, từ đó tuyển lựa, bổ nhiệm, đề bạt, phân công những vị trí thích hợp. Có như vậy mới tránh được việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo cảm tính, theo… quan hệ, dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền… ,"ngồi" nhầm vị trí hoặc không gánh vác nổi công việc được giao. Bên cạnh đó, qua kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, các cấp ủy Đảng từ trung ương đến địa phương cần rà soát lại quy chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ để sửa đổi, bổ sung những điểm không còn phù hợp. Mục tiêu duy nhất là cần một đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn để lãnh đạo đất nước phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.