(HNM) - Các địa phương đang triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TƯ ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị “Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã”. Bên cạnh mục tiêu tổ chức hợp lý đơn vị hành chính gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì yêu cầu đặt ra là quá trình thực hiện phải chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn. |
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn nhấn mạnh điều đó khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này.
Triển khai quyết liệt để cơ bản hoàn thành trong năm 2019
- Thưa ông, ông có thể cho biết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã?
- Chủ trương kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đã được đề ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng trước đây và cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được đổi mới; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, chính sách tiền lương cũng còn bất cập.
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TƯ ngày 24-12-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Như vậy, cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý đã được Đảng, Nhà nước ban hành đầy đủ, thể hiện rõ quyết tâm rất cao trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Có thể khẳng định rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Đến thời điểm này, việc triển khai đã đạt được kết quả thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, các địa phương đang tiến hành rà soát, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trên cơ sở đó, các địa phương lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về phương án, thông qua HĐND các cấp. Chậm nhất đến ngày 31-8-2019, các địa phương phải trình đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.
Tuy nhiên, để sớm ổn định các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp, bảo đảm có thời gian chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Chính phủ đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai quyết liệt để cơ bản hoàn thành việc sắp xếp trong năm 2019.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã của 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thuộc diện phải thực hiện sắp xếp lần này. Qua xem xét phương án tổng thể của một số tỉnh, thành phố đã gửi về Bộ Nội vụ cho thấy, các địa phương này đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Dự kiến, sau khi sắp xếp, nhiều tỉnh, thành phố có số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giảm mạnh như: Tỉnh Cao Bằng giảm 3/13 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 40/199 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Hòa Bình giảm 1/11 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 59/210 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Hà Tĩnh giảm 47/262 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Thanh Hóa giảm 76/635 đơn vị hành chính cấp xã…
- Ngoài các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định về dân số và diện tích thực hiện sắp xếp thì các đơn vị hành chính chưa đạt khác sẽ thực hiện thế nào, thưa ông?
- Theo chủ trương của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2019-2021 sẽ tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, đồng thời, khuyến khích các địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính khác chưa đạt tiêu chuẩn nếu bảo đảm các yếu tố thuận lợi và được đa số cử tri đồng tình.
Qua nắm thông tin từ các địa phương thì ngoài số lượng đơn vị hành chính thuộc diện phải thực hiện sắp xếp, một số địa phương còn tiến hành sắp xếp nhiều đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích (Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh...). Nhiều địa phương dự kiến sắp xếp từ 3 đến 4 đơn vị hành chính cấp xã với nhau để hình thành 1 đơn vị hành chính cấp xã mới (Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Thái Bình...). Đến năm 2021, Chính phủ sẽ tổng kết việc sắp xếp giai đoạn 2019-2021 và xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp trong giai đoạn 2022-2030.
Bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân
- Mục tiêu của việc sắp xếp là xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vậy trong quá trình thực hiện, các địa phương cần chú trọng những việc gì để bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị?
- Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần thực hiện nhất quán, tổng thể và có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm sự đồng bộ giữa sắp xếp các đơn vị hành chính với sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan từ trung ương đến cơ sở và tinh giản biên chế; phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội. Quá trình triển khai cần thực hiện tốt công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và có chính sách ưu đãi với những người thuộc diện dôi dư.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ số xã được thống kê sẽ phải sắp xếp. Không tiến hành sắp xếp bằng mọi giá nếu như không tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Quá trình triển khai phải chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, chắc chắn, phù hợp với yêu cầu phát triển; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, không gây xáo trộn lớn.
- Vấn đề nhân sự, đặc biệt là chính sách cho cán bộ dôi dư được nhiều người quan tâm. Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
- Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ đã quy định nhiều giải pháp về chế độ, chính sách cho đội ngũ dôi dư. Đó là, trong vòng 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng quy định. Những người thuộc diện dôi dư sẽ được hưởng các chế độ, chính sách hiện hành theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 cho phép các địa phương trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, được ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.
- Kết quả việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan được Bộ Chính trị đánh giá rất tích cực. Vậy các địa phương có thể tham khảo kinh nghiệm gì?
- Khi xây dựng đề án tổng thể và các văn bản pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Bộ Nội vụ cũng đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm điều chỉnh, hợp nhất các đơn vị hành chính về Thủ đô Hà Nội để tham mưu những giải pháp, nhiệm vụ và chính sách, nhằm tạo thuận lợi cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính.
Trước tiên là phải có lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp, nơi nào thuận lợi thì sắp xếp trước. Đặc biệt, các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để có sự ủng hộ của xã hội và phải có lộ trình sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thích hợp; có chế độ, chính sách phù hợp, thỏa đáng với những người dôi dư khi thực hiện công việc này. Để công việc này đạt hiệu quả cao, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng, quyết định sự thành công trong mỗi bước triển khai công việc.
- Ông có thể cho biết thành phố Hà Nội có bao nhiêu đơn vị hành chính nằm trong diện sắp xếp đợt này? Và phương án cụ thể thế nào?
- Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, thành phố có 21 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% của 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số (thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021). Tuy nhiên, thành phố đang đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho phép chưa tiến hành sắp xếp giai đoạn này do đang triển khai thực hiện đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.