Nghị quyết và Cuộc sống

Bài 3: Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Nhóm phóng viên 27/11/2023 22:10

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, cùng với những cơ chế được Trung ương tạo điều kiện, Hà Nội đã lựa chọn những cách làm phù hợp, đúng đắn, kịp thời để áp dụng vào sắp xếp bộ máy hành chính.

cover3.jpg

-

HÀI HÒA THEO TỪNG GIAI ĐOẠN

line-title.jpg

Giai đoạn 2019-2021, thành phố Hà Nội không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp, có 12 đơn vị hành chính cấp xã (6 phường, 6 xã) thuộc diện phải sắp xếp. UBND thành phố đã xây dựng đề án thực hiện việc sắp xếp đối với 7 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 3 quận, huyện: Hai Bà Trưng (4 đơn vị), Phúc Thọ (2 đơn vị), Phú Xuyên (1 đơn vị). Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội có 579 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn (giảm 5 đơn vị).

hoai-duc.jpg
Bộ phận “một cửa” của UBND huyện Hoài Đức khang trang.

Ngay từ khi xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện có đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện việc sắp xếp chủ động xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức; phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đúng theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng phương án sắp xếp trụ sở các xã, phường, các trường học, trạm y tế theo đúng quy định. Đặc biệt, kể từ ngày 1-3-2020, các quận, huyện đã thực hiện việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã bảo đảm đúng cơ cấu, số lượng; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành, lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực, điều kiện, tiêu chuẩn để đảm nhận những vị trí công tác tại các đơn vị hành chính cấp xã mới gắn với việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.

dinh-cong3.jpg
Công dân quét mã QR làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai).

Đáng chú ý, việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với người dân được thành phố đặc biệt quan tâm. UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các quận, huyện và các cơ quan chức năng, UBND các phường, xã liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

UBND thành phố cũng đã trình HĐND thành phố thông qua và ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ/HĐND ngày 7-7-2020 về việc hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (tổng số 52 người, kinh phí hỗ trợ là 271,6 triệu đồng).

Đến nay, bộ máy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường, xã đã đi vào hoạt động ổn định phục vụ tốt cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành ở địa phương.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội TRẦN ĐÌNH CẢNH

-

SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN

line-title.jpg

Theo bà Đinh Thị Ngọc Vân, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), từ ngày 1-3-2020, Đảng bộ, chính quyền phường Phạm Đình Hổ được thành lập và chính thức hoạt động. UBND phường đã triển khai thực hiện đồng thời các nhiệm vụ trang trí trụ sở mới, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, xây dựng toàn bộ hệ thống văn bản phục vụ hoạt động của chính quyền phường (quy chế, nội quy làm việc, quy chế tiếp dân giải quyết đơn thư, phân công nhiệm vụ đội ngũ cán bộ công chức, thành lập bộ phận “một cửa”, xác nhận…). Đặc biệt, phường quan tâm công tác xác nhận chuyển đổi địa chỉ trên giấy tờ mới cho người dân, bảo đảm công tác tiếp công dân đến liên hệ công việc được xuyên suốt, không bị ảnh hưởng.

pham-dinh-ho.jpg
Công chức bộ phận “một cửa” của UBND phường Phạm Đình Hổ hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Việc sáp nhập các phường có diện tích nhỏ, dân số ít là rất phù hợp. Khi chưa sáp nhập, cán bộ cơ sở nhiều nhưng không mạnh, bộ máy cồng kềnh.

Bí thư Chi bộ phường Phạm Đình Hổ TRẦN TUẤN KHANH

Cách làm bài bản, chu đáo đó đã sớm mang lại hiệu quả. Tính riêng một tuần làm việc đầu tiên sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính mới, UBND phường Phạm Đình Hổ đã tiếp nhận và xử lý 549 hồ sơ thủ tục hành chính, không có hồ sơ bị quá hạn chậm muộn; 35 hồ sơ đăng ký thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện của người dân được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện. Và từ đó đến nay, UBND phường luôn giải quyết kịp thời các công việc, không có ý kiến phản ánh của người dân về công tác tiếp dân và giải quyết các thủ tục hành chính sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Hiệu quả rõ nét nữa của việc sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính là việc tinh gọn bộ máy, nâng hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trước đây, hai phường Ngô Thì Nhậm và Phạm Đình Hổ có tổng số 39 tổ dân phố, sau khi sắp xếp, sáp nhập thành một phường Phạm Đình Hổ, còn 13 tổ, giảm 26 tổ dân phố, diện tích tự nhiên 0,48km2, hơn 12.600 người.

Đặc biệt, thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU ngày 16-9-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”, phường Phạm Đình Hổ đã thực hiện Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng dân phố, Phó Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận, do đó, từ 39 người giảm còn 27 người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố, giảm 109 người so với thời điểm chưa sáp nhập tổ dân phố, giảm 13 người sau khi thực hiện đề án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh.

bi-thu-pdh.jpg
Bí thư Chi bộ phường Phạm Đình Hổ Trần Tuấn Khanh.

Từ thực tế công việc ở địa bàn dân cư, ông Trần Tuấn Khanh, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 9 phường Phạm Đình Hổ cho rằng: “Việc sáp nhập các phường có diện tích nhỏ, dân số ít là rất phù hợp. Khi chưa sáp nhập, cán bộ cơ sở nhiều nhưng không mạnh, bộ máy cồng kềnh. Khi đó, mỗi tổ dân phố thu các quỹ chỉ được khoảng 2-3 triệu đồng, trong khi năm đầu tiên sáp nhập, tôi đã vận động tổ dân phố số 9 ủng hộ các quỹ nộp ra phường được gần 50 triệu đồng”.

Tương tự, tại địa bàn phường Mai Động (quận Hoàng Mai), năm 2019 sáp nhập tổ dân phố số 16, 17, 18 và 19 thành tổ dân phố số 6. Ông Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Chi bộ 3 kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 6 cho biết, liên tục nhiều năm qua tổ dân phố số 6 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tính riêng năm 2023, khu dân cư số 3 đã thu và nộp về ngân sách nhà nước hơn 28,3 triệu đồng tiền thuế đất phi nông nghiệp và các loại quỹ theo quy định.

Có thể thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có quy mô nhỏ thành đơn vị hành chính cấp xã có quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên. Bên cạnh đó, việc tinh giản bộ, máy, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính…

↓ XEM BÀI KẾ TIẾP ↓

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.