Những ngày này, HĐND các địa phương trên cả nước liên tục tổ chức kỳ họp chuyên đề thảo luận, quyết nghị chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Những ngày này, HĐND các địa phương trên cả nước liên tục tổ chức kỳ họp chuyên đề thảo luận, quyết nghị chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 (ngày 12-7-2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 117/NQ-CP (ngày 30-7-2023) của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo đúng trình tự pháp luật, bài bản, kỹ lưỡng, rõ lộ trình, rõ tiến độ, tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị. Dự kiến, việc này tác động đến 156 xã, phường, thị trấn. Sau sắp xếp, thành phố giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Đến nay, các địa phương thuộc diện sắp xếp đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, trong đó HĐND nhiều quận, huyện đã họp và thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính. Ví dụ, huyện Mê Linh sáp nhập xã Vạn Yên vào xã Liên Mạc thành xã Liên Mạc; huyện Chương Mỹ hợp nhất hai xã Hồng Phong và Đồng Phú thành xã Hồng Phú; quận Hai Bà Trưng sáp nhập phường Đồng Nhân và phường Đống Mác, thành phường Đồng Nhân...
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện chủ trương này, giai đoạn 2019-2021, cả nước giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng. Ở những nơi được sắp xếp, bộ máy tinh gọn hơn, đời sống người dân ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó rõ nhất là chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; nhiều trụ sở làm việc ở đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được sử dụng hiệu quả, có nơi để hoang hóa lãng phí...
Phải khẳng định rằng, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc làm cần thiết, là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây lại là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên nếu không tính toán kỹ lưỡng, có giải pháp đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc trong dư luận. Do đó, để thực hiện thành công, các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội phải có quyết tâm lớn và giải pháp mạnh.
Theo lộ trình, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10-2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp không dài, chỉ còn chưa đầy 6 tháng. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng thì việc sắp xếp suôn sẻ, nếu không sẽ gây ách tắc, chậm trễ. Do đó, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân. Có như vậy, mới bảo đảm được tiến độ đã đề ra.
Hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là cắt giảm được bao nhiêu đơn vị, tinh giản được bao nhiêu biên chế mà quan trọng hơn cả là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn này. Vì vậy, việc cần làm ngay không chỉ là giải quyết tốt chế độ, chính sách với số cán bộ dôi dư, mà còn là sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Sắp xếp lại đơn vị hành chính luôn là công việc khó, phức tạp và nhạy cảm nhưng cũng là việc tất yếu để tập trung nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới. Tại hội nghị Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 để đánh giá kết quả công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II-2024 diễn ra ngày 10-4 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khẳng định: “Trong đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, quan điểm của Thành ủy là không ngại khó, không ngại khổ. Nên từ trong cấp ủy phải tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, phải tạo ra sức ép, thậm chí sức ép lớn để cùng nhau chuyển động”.
Với tinh thần như vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng, cùng với cả nước, Hà Nội sẽ triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, mạnh, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.