(HNM) - Luật Quảng cáo hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 6-2012) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Khoản 1, Điều 27 của Luật Quảng cáo quy định: Việc đặt bảng quảng cáo, băng rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông, phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Để thực hiện điều đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (VH,TT&DL) đề nghị các đơn vị trực thuộc không chăng băng rôn ngang qua đường giao thông (bao gồm cả băng rôn tuyên truyền chính trị). Các băng rôn treo không đúng vị trí theo quy hoạch sẽ được lực lượng chức năng tháo dỡ, xử lý. Lãnh đạo các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong phạm vi địa bàn theo thẩm quyền.
Mọi chuyện đều rõ ràng và cần thiết phải như vậy để những quy định theo pháp luật được hiện thực hóa trong cuộc sống, tránh tình trạng chỉ có hiệu lực trên văn bản, giấy tờ. Ở góc độ khác, để xây dựng văn minh đô thị, cải thiện cảnh quan chung của thành phố cũng cần phải thực hiện như vậy. Tuy nhiên, thời gian qua, băng rôn, quảng cáo được treo, mắc tùy tiện, tràn lan ở mọi góc phố, con đường, tạo nên khung cảnh lộn xộn, nhếch nhác. Nhiều trường hợp sự kiện cần tuyên truyền đã trôi qua khá lâu nhưng băng rôn, quảng cáo không được dỡ bỏ, hình thành những loại rác ở trên trời, rất phản cảm. Rồi còn vấn đề về an toàn giao thông khi nhiều băng rôn, quảng cáo treo sai quy định, hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, thậm chí còn tạo nên những "chiếc bẫy" lơ lửng giữa không trung, rất nguy hiểm trong mùa mưa bão...
Khỏi phải kể thêm bởi hơn ai hết, những người làm trong ngành văn hóa đều hiểu rõ tác dụng, lợi ích của việc "áp" những điều khoản trong Luật Quảng cáo trong công tác quản lý nhà nước. Xây dựng thành phố văn minh, xã hội hiện đại, có văn hóa thì mọi khía cạnh trong đời sống dần phải tuân thủ theo trật tự, kỷ cương, mọi hành vi phải điều chỉnh theo những quy định của pháp luật. Vậy mà khi được hỏi về những chiếc băng rôn treo trên địa bàn không theo quy định của Luật Quảng cáo, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Đống Đa cho rằng, đã làm theo chỉ đạo của UBND quận. Ngạc nhiên hơn khi vị giám đốc này "phát biểu" chưa có văn bản nào cấm làm việc đó! Không lẽ Giám đốc Trung tâm Văn hóa của một quận trong thành phố còn chưa rõ thời điểm Luật Quảng cáo có hiệu lực cùng những điều khoản quy định cụ thể trong luật này? Cán bộ như thế cũng khó đòi hỏi thực hiện tốt việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương về công tác chuyên môn. Lại nữa, chỉ đạo của ngành dọc, của cấp trên trực tiếp là Sở VH,TT&DL Hà Nội đối với các đơn vị trực thuộc không rành đã đành, đến người lãnh đạo cao nhất của Sở VH,TT&DL thành phố là ai, vị cán bộ này cũng không nắm rõ. Trong khi đó, việc bổ nhiệm tân Giám đốc Sở VH,TT&DL được thực hiện từ tháng 6-2013 và quyết định đã được gửi đến các đơn vị trực thuộc cũng như đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, quyết định chất lượng, hiệu quả của từng việc cụ thể. Cương vị càng cao, trách nhiệm của cán bộ càng nặng nề. Phải chăng trong bộ máy của chúng ta còn có những cán bộ "đang sống trên mây" hay vì có quá nhiều việc nên khó đảm đương, bao quát toàn diện? Dù là vì lý do gì thì tình trạng này cũng cần loại bỏ khi công tác cán bộ luôn được Hà Nội đặc biệt chú trọng và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong những việc trọng tâm cần thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.