Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng mãi bản hùng ca

Nguyên Hoa| 01/12/2012 07:05

(HNM) - 40 năm đã trôi qua nhưng người dân Thủ đô và nhân dân cả nước vẫn không quên những giây phút

Chiến thắng đã đi vào lịch sử Việt Nam hiện đại như một "Điện Biên Phủ trên không". Hà Nội hôm nay đầy ắp tiếng cười, đã trở thành "Thành phố vì hòa bình" trong lòng cộng đồng quốc tế. 40 năm sau chiến thắng, ngày 28-11 vừa qua, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo TƯ và Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo cấp nhà nước với chủ đề: "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 77 (Sư đoàn 361) chuẩn bị chiến đấu trong những ngày cuối tháng 12-1972.


Trong các bài tham luận tại hội thảo khoa học, các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, tướng lĩnh, nhà khoa học và nhân chứng lịch sử, từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, đã đi sâu phân tích, lý giải nhiều nội dung về tầm vóc, ý nghĩa, những giá trị lịch sử của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Đề dẫn hội thảo do Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trình bày đã khẳng định: Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một mốc son chói lọi, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Đây cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của "thế trận phòng không nhân dân" bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Hàng loạt tham luận, ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà nghiên cứu lịch sử, các sĩ quan chỉ huy trực tiếp tham gia chiến đấu đã làm sống lại những ngày đêm đi vào lịch sử hào hùng khi quân và dân miền Bắc mà trọng tâm là Hà Nội giáng trả đích đáng  hành động "cướp trời" của kẻ địch, làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" gây chấn động nước Mỹ và toàn thế giới.

Tại Hà Nội, trong 12 ngày đêm của chiến dịch, không quân Mỹ đã tập trung hơn 1.000 lượt máy bay đánh phá, trong đó có khoảng 500 lượt B52, trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư, làm gần 2.400 người chết và 1.355 người bị thương. Vượt lên đau thương, mất mát, quân và dân Thủ đô Hà Nội chủ động thiết lập thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, chủ động vào trận. Tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến đã nêu rõ: "TP Hà Nội đã thành "chiến trường" đặc biệt, với hàng nghìn kilômét hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 630.000 hố cá nhân, bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến, còi báo động khắp nội, ngoại thành được thống nhất theo "lệnh" chính xác của Hội đồng phòng không TP, đã có tác dụng rất tốt cho mọi người tránh máy bay, dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu".

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân cho biết thêm: "Trong chiến dịch này, TP Hà Nội đã sơ tán hơn 50 vạn dân một cách an toàn, chặt chẽ, chu đáo. Quá trình chiến đấu, đánh trả không quân địch, quân và dân Hà Nội đã kiên cường, dũng cảm, tiêu diệt nhiều máy bay và bắt sống giặc lái. Toàn TP đã triển khai và thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: mỗi nhà dân, các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, đường phố đều có hố cá nhân, hầm trú ẩn để mỗi khi báo động có máy bay, mọi người dù ở nhà hay đang làm việc hoặc đi trên đường đều có nơi trú ẩn, hạn chế được thương vong. Đây là một trong những hình thức phòng không mặt đất mang lại hiệu quả cao của hệ thống phòng không TP Hà Nội lúc bấy giờ. Nhờ có sự chủ động chuẩn bị chu đáo và tinh thần đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong đánh trả không quân địch nên TP Hà Nội vẫn vững vàng sau 12 ngày đêm bị B52 của giặc Mỹ ném bom rải thảm...".

Tinh thần dám đánh, quyết đánh của quân và dân Thủ đô,  đặc biệt là bộ đội phòng không - không quân (PK-KQ) đã được thể hiện sinh động qua tham luận của các cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu. Theo Anh hùng LLVTND, phi công, Trung tướng Phạm Tuân: Trước chiến dịch 12 ngày đêm, các phi công đã được chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần, được huấn luyện đánh B52 ở Khu 4, được củng cố về lực lượng. Tuy nhiên, khi bước vào chiến dịch, không quân xuất kích ngay từ đêm đầu, nhưng chưa tiêu diệt được B52. Những đêm tiếp theo, khó khăn đặt ra do máy bay địch gây nhiễu, do dẫn đường, do các sân bay của ta bị địch phá hoại… khiến không quân ta chưa diệt được B52. Sau khi rút kinh nghiệm, không quân ta đã tìm ra cách đánh mới, đến đêm 27-12-1972, phi công Phạm Tuân đã xuất kích từ sân bay Yên Bái, bắn cháy một máy bay B52 trên bầu trời Sơn La.

B52 phơi xác trên đường phố Hà Nội, một trong những tấm ảnh nổi tiếng về trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh Tư Liệu

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng Đại đội ra-đa 45, Trung đoàn ra-đa 291 đã nêu rõ: Trong chiến dịch này, ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52 với 16 chiếc B52  rơi tại chỗ. Công đầu trong chiến thắng vĩ đại của chiến dịch thuộc về bộ đội ra-đa phòng không. Bởi, mặc dù địch tập trung các thiết bị gây nhiễu rất hiện đại hòng "bịt mắt" toàn bộ hệ thống ra-đa phòng không của ta, nhưng bộ đội ra-đa đã không để Tổ quốc bị bất ngờ trước đòn tập kích đường không chiến lược của địch và bảo đảm vô điều kiện cho các lực lượng phòng không chiến dịch giành thắng lợi. Do được bảo đảm ra-đa tốt, các cấp chỉ huy chiến dịch-chiến lược đã nắm chắc tình hình địch, hạ quyết tâm chiến đấu kịp thời, chính xác; các lực lượng PK-KQ được chuyển cấp chiến đấu sớm, chủ động đánh B52, lập nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử tác chiến phòng không trên thế giới. Chỉ tính riêng trong số 34 chiếc B52 bị bắn rơi thì bộ đội Tên lửa phòng không đã bắn rơi 29 chiếc, trong đó có 16 chiếc B52 rơi tại chỗ. Trong chiến dịch, bộ đội không quân đã xuất kích 24 lần, bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 2 chiếc B52, 4 chiếc F4-D và 1 chiếc RA5C...


Nhiều tham luận tại hội thảo đã nêu bật niềm tự hào về trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong cuộc đối đầu lịch sử, như: "Đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12-1972, những giá trị lý luận và thực tiễn"; "Những bài học kinh nghiệm về tác chiến chiến dịch phòng không được rút ra từ 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội cuối năm 1972"; "Những bài học về công tác giáo dục chính trị - tư tưởng trong chiến dịch phòng không cuối tháng 12-1972"… Với tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam được thể hiện qua chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, quân và dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Kết thúc chiến dịch, 81 máy bay của không quân Mỹ đã bị tiêu diệt, trong đó có 34 máy bay B52 (16 chiếc rơi tại chỗ), chính quyền Mỹ đã phải ký Hiệp định Pa-ri, chấp nhận rút quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở Việt Nam, mở ra thời cơ lớn cho quân và dân ta hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

40 năm đã qua đi, những dấu tích một thời bom đạn cày xới mảnh đất Hà Nội thân yêu có thể phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa to lớn của "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn âm vang trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ chiến dịch lịch sử này vẫn nguyên vẹn giá trị để nghiên cứu, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng mãi bản hùng ca

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.