(HNM) - Ngày 2-7-2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành
Chiều ngày 14-7, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, Văn phòng JICA Việt Nam đã tổ chức đánh giá kết quả hơn 3 năm thực hiện dự án "Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng". Dự án được triển khai tại 6 tỉnh phía Bắc, trong đó 3 tỉnh thí điểm là: Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh; và 3 tỉnh, thành phố vệ tinh là: Hòa Bình, Thái Bình, Hải Phòng. Chuyên gia Numata Mitsuo cho biết: Khó khăn lớn nhất khi áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) tại Việt Nam là xây dựng lòng tin của cả khách hàng và người nông dân. Đây đang là một vấn đề lớn, vì thời gian qua, "cầu nối" giữa người tiêu dùng và người trồng rau chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản, thông qua JICA, đã quyết định hỗ trợ dự án trồng rau sạch cho các tỉnh phía Bắc của Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và khả năng sản xuất sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự án tập trung chủ yếu vào rau củ, hỗ trợ khu sơ chế, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, thời gian, liều lượng, cách sử dụng phân bón, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và chất kích thích sinh trưởng. Nhật Bản đang đề xuất áp dụng mô hình "GAP cơ bản" (Basic GAP) trên diện rộng nhằm hỗ trợ Việt Nam trong sản xuất nông sản an toàn để ngay cả các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ cũng có thể thực hiện một cách dễ dàng.
Thực tế thời gian qua Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) với hơn 65 tiêu chí để sản xuất cây trồng an toàn và là quy định bắt buộc những nông dân sản xuất trên quy mô lớn phải áp dụng trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, 90% nông dân Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và có thu nhập thấp. Hầu hết những sản phẩm nông sản của nông dân đều được tiêu thụ trên thị trường nội địa nên rất khó có thể áp dụng VietGAP trong quá trình sản xuất. Do đó, "GAP cơ bản" đã được Bộ NN&PTNT xây dựng cùng với sự hỗ trợ của JICA như là một bước khởi đầu giúp phần lớn nông hộ có thể áp dụng thực hành trong sản xuất cây trồng an toàn và hướng tới thị trường tiêu thụ trong nước. "GAP cơ bản" đã được đơn giản hóa bằng việc lựa chọn những tiêu chí cơ bản nhất của tiêu chuẩn VietGAP hiện hành và không yêu cầu người sản xuất phải đăng ký, xin cấp giấy chứng nhận. Thay vì thực hiện cả 65 tiêu chí thì bước đầu nông dân chỉ cần thực hiện tốt 26 tiêu chí cơ bản.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhận định: Việc yêu cầu người nông dân tiếp cận ngay cả 65 tiêu chí không khác gì bắt "một người có sức khỏe yếu phải nhảy liền 2 - 5 bậc thang. Thay vào đó nên hướng dẫn cho nông dân áp dụng dần từng bước. Đích cuối cùng là làm sao ngày càng có nhiều nông dân sản xuất thực phẩm an toàn, đặc biệt là rau, củ, quả các loại.
Bà Nguyễn Thị Hằng, cố vấn dự án cho rằng: Nếu không giúp nông dân thay đổi nhận thức, sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn và hiệu quả thì khi kết thúc dự án, tất cả lại trở về số không. Người nông dân lại phun thuốc, lại thu hoạch ngay sau đó vì lợi nhuận trước mắt. Và vòng luẩn quẩn trong việc tìm hướng đi cho RAT vẫn là một bài toán nan giải. Do vậy, để có sản phẩm RAT theo đúng tiêu chuẩn cần một giải pháp đồng bộ. Theo đó, Nhà nước cần có chiến lược để bảo đảm sản xuất cây trồng an toàn cho nông dân quy mô nhỏ áp dụng Basic GAP; tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của tất cả các bên liên quan; xây dựng lòng tin vào độ an toàn của sản phẩm; cải thiện khâu quản lý bán hàng.
Tại Hà Nội, Chi cục BVTV cũng đã hướng dẫn, giám sát và cấp giấy chứng nhận cho 18 vùng sản xuất RAT theo VietGAP với tổng diện tích trên 150ha; sản lượng đạt khoảng 9.500 tấn/năm (tương đương 26 tấn/ngày). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.