Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023: Nhiều gam màu tươi sáng

Ngọc Quỳnh 06/07/2023 - 06:22

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản... Song, nhờ sự chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng sản xuất và xuất khẩu, nên bức tranh ngành Nông nghiệp có nhiều gam màu tươi sáng với những kết quả khả quan, không ít mặt hàng đạt tăng trưởng, mang lại giá trị kinh tế cao.

chan-nuoi.jpg
Thu hoạch trứng tại trang trại chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Quang Thái

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp đã gặp không ít khó khăn về thị trường trong nước và xuất khẩu; giá một số mặt hàng xuống thấp, trong khi giá vật tư đầu vào giữ ở mức cao. Thế nhưng, tốc độ tăng GDP ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%, lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,77%.

Đánh giá về tình hình sản xuất, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, do thời tiết thuận lợi cùng với mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng, nên năng suất lúa đông xuân năm nay khá cao, đạt khoảng 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Chính vì vậy, dù diện tích gieo cấy giảm, nhưng sản lượng lúa đông xuân cả nước vẫn tăng, đạt khoảng 20,2 triệu tấn, tăng 231,9 nghìn tấn. “An ninh lương thực đang là thách thức của nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn lương thực phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu”, ông Nguyễn Như Cường cho hay.

Do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, nên chăn nuôi phát triển ổn định, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Theo đó, đàn lợn hiện tăng khoảng 2,5%, sản lượng thịt hơi 2,33 triệu tấn, tăng 6,5%; đàn gia cầm tăng 0,9%, sản lượng thịt hơi 1,04 triệu tấn, tăng 4,8% và sản lượng trứng 9,1 tỷ quả, tăng 4,2%... so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng nhiều mặt hàng nông sản có những bứt phá. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau, quả đạt 2,75 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Không những vậy, giá gạo của Việt Nam hiện cao gần bằng Ấn Độ, cao hơn Thái Lan và trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD… Dự kiến cả năm sản lượng xuất khẩu gạo đạt khoảng 8 triệu tấn, giá trị hơn 4 tỷ USD.

Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường

Từ nay đến cuối năm, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức do giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn tăng cao; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cháy rừng cao ở nhiều địa phương… Để bảo đảm mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3% đến 3,5%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54-55 tỷ USD, ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng phối hợp với các sở, ngành khác nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn; kết nối với doanh nghiệp để cung ứng nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho việc sản xuất.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên, để ổn định sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng cần hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn vay với lãi suất ưu đãi; kết nối mở rộng thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, tạo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nông nghiệp cần đẩy mạnh kinh doanh, kết nối trên môi trường số, chợ trực tuyến (online) thông qua Facebook, Zalo…, giúp giảm các chi phí phát sinh cũng như nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm, các địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Cần có giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của cả năm đặt ra là 54-55 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023: Nhiều gam màu tươi sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.