(HNM) - Quý I-2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, một số mặt hàng chủ lực giảm sâu, trở thành “nỗi lo” của ngành Nông nghiệp. Trước tình trạng này, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng tối đa những hiệp định thương mại thế hệ mới để vượt khó, tạo bứt phá ở những quý sau.
“Ăn đong” từng đơn hàng
Thủy sản vốn là mặt hàng đóng góp kim ngạch lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, song, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rơi vào tình trạng “ăn đong” từng đơn hàng.
Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng) Trần Văn Lĩnh cho biết, thời điểm này năm trước, các doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý IV, nhưng đến nay doanh nghiệp chỉ ký được những đơn hàng nhỏ lẻ theo từng tháng. “Tình cảnh của các doanh nghiệp thủy sản bây giờ là “ăn đong” từng container hàng. Do chỉ có đơn hàng nhỏ lẻ, khiến một số doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình trạng đóng cửa nhà máy luân phiên, sản xuất cầm chừng”, ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe, quý I-2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của thủy sản đều giảm ở mức sâu, như tôm chỉ đạt 577 triệu USD, giảm tới 40%; cá tra đạt 447 triệu USD, giảm 32%; cá ngừ đạt 179 triệu USD, giảm 31%; xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 54 triệu USD, giảm 8%. Sự sụt giảm này là do một số thị trường nhập khẩu giảm mạnh, trong đó giảm nhiều nhất là Mỹ -thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Không chỉ thủy sản, mặt hàng gỗ và lâm sản cũng sụt giảm đáng kể. Quý I-2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt có 1,87 tỷ USD, giảm 38,5%. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, sức mua trên toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến số đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh. Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà chỉ mong muốn có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí cho hoạt động của nhà máy.
Nhìn vào bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I-2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành giảm mạnh, đã kéo kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu... Hơn nữa, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng nguồn cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023…
Xây dựng chiến lược cụ thể
Bên cạnh những điểm “xám”, bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận nhiều điểm “sáng” ở một số mặt hàng. Cụ thể, gạo xuất khẩu tăng 30,2% về giá trị; nhóm rau, quả tăng 10,6%; hạt điều tăng 14,2%; sữa và sản phẩm sữa tăng 22,2%…
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ những mặt hàng đang tăng trưởng để tạo bứt phá chung cho xuất khẩu toàn ngành. Với những nhóm ngành hàng giảm, Cục sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, bộ, ngành để xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể ở từng thời điểm trong năm, nhằm đón trúng “điểm rơi” của thị trường, tạo bứt phá tăng trưởng. Bên cạnh đó, sự linh hoạt, đa dạng về sản phẩm sẽ khai thác tối đa được các thị trường khác nhau.
Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải điều chỉnh hợp lý, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng thị trường, tìm hướng đi riêng cho sản phẩm thủy sản. Đơn cử với Trung Quốc, ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi, sống. Với những thị trường lớn khác, như Mỹ, các nước châu Âu, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho dòng sản phẩm truyền thống: Nước mắm, mắm ruốc… Hay như mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các doanh nghiệp cần tập trung vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Cùng với những giải pháp cụ thể đối với từng mặt hàng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tận dụng tối đa các hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chủ lực sang thị trường lớn, như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt, Bộ đang chuẩn bị cho hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc quý II và quý III-2023. Đồng thời, tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh, chuỗi sự kiện thực phẩm và đồ uống quốc tế tại Anh (trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh) trong quý II-2023.
Với những giải pháp đồng bộ, sự chủ động của các doanh nghiệp, hy vọng, thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ vượt khó, bứt phá và cán đích mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD trong năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.