Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng vào cuộc

Hoàng Hà| 30/10/2020 06:11

(HNM) - Sau 10 năm Hà Nội thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 100%; quy mô của giáo dục mầm non đã tăng 303 trường với hơn 9.000 phòng học; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên rõ rệt...

Những kết quả khả quan này cho thấy, chất lượng giáo dục mầm non của Thủ đô được nâng cao, đồng thời là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND thành phố. Điều này sẽ giúp cải thiện hơn nữa chất lượng giáo dục mầm non, mang đến những lợi ích toàn diện cho mọi trẻ em.

Là địa phương có quy mô và chất lượng giáo dục dẫn đầu cả nước, nhưng việc tiên phong phổ cập giáo dục cho trẻ 4 tuổi chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Dễ nhận thấy nhất là, với tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh, việc quá tải trường, lớp sẽ khó có thể sớm khắc phục, bởi việc tìm kiếm quỹ đất xây mới, mở rộng trường; cũng như nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất là những bài toán không dễ giải quyết...

Lợi ích của việc lùi độ tuổi phổ cập giáo dục mầm non từ 5 tuổi xuống 4 tuổi là vô cùng lớn. Trên thực tế, cho trẻ đi học càng sớm, trẻ sẽ được tiếp cận giáo dục sớm, được rèn vào nền nếp và giáo dục kỹ năng sống cần thiết. Do đó, việc Hà Nội tiên phong phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi là bước đi cần thiết, mang ý nghĩa đầu tư cho tương lai dài hạn, mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. 

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Giáo dục Thủ đô cần sớm hoàn thành việc tham mưu cho UBND thành phố ban hành Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn thành phố. Qua đó, huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách để đầu tư cho giáo dục mầm non về cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy học… Ngoài ra, cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để có thể tận dụng các nguồn lực xã hội hóa, phát triển các trường mầm non ngoài công lập.

Cùng với đó, hình thành những quy chuẩn rõ ràng, mang tính khoa học về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, tạo sự thống nhất khi triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Đặc biệt, cần thiết kế chương trình dạy - học với nội dung và hình thức triển khai phù hợp cho trẻ mầm non, cả với các quận trung tâm kinh tế phát triển và vùng nông thôn, miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế.

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng với ngành Giáo dục Thủ đô là sự chuẩn bị về nhân lực. Đội ngũ nhà quản lý, giáo viên phải được đào tạo bài bản, đạt yêu cầu của công tác giáo dục mầm non về chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn mực trong ứng xử...

Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số bậc phụ huynh có tâm lý muốn để con ở nhà vì có điều kiện chăm sóc hơn, nhưng như vậy là tước đi quyền lợi được đến trường của trẻ em. Do vậy, chính quyền các phường, xã và ngành Giáo dục Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho phụ huynh về ý nghĩa to lớn của việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi; vận động người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đưa trẻ 4-5 tuổi đến trường. 

Sẵn sàng vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chắc chắn công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi tại Hà Nội sẽ được thực hiện thành công, mang lại những lợi ích trước mắt và lâu dài, vì mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.