(HNMO) - Ngày 5-11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 10.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, 7h sáng nay (5-11), bão số 10 cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 280km với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong ngày 5, rạng sáng 6-11, bão sẽ đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận; sau đó, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh nêu trên với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão nên vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 3-4m, biển động mạnh.
Từ chiều tối và đêm nay, trên đất liền các tỉnh ven biển: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Trong ngày 5 và 6-11, các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định xảy ra đợt mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm. Các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên xảy ra đợt mưa to, có nơi rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm.
Từ ngày 5 đến 7-11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
“Ngoài Biển Đông đã xuất hiện cơn bão mới. Và nhiều khả năng cơn bão này sẽ suy yếu khi đi vào Biển Đông cuối tuần này…”, ông Hoàng Phúc Lâm thông tin thêm.
Ứng phó với bão số 10, các tỉnh, thành phố đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 tàu thuyền với 232.118 lao động vào nơi trú tránh. Các tỉnh, thành phố đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ 4.050 lao động trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ. Cùng nhiệm vụ trên, các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sẵn sàng sơ tán 7.688 hộ dân với 28.285 người đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Hiện, các tỉnh đã sơ tán 2.178 hộ dân với 8.125 người thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất… Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã lệnh cấm biển.
Về thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến sáng 5-11, bão số 9 và mưa lũ, sạt lở đất đã làm 83 người chết và mất tích. Sáng nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 310 hộ dân bị ngập lụt. Trên quốc lộ 49, đoạn đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế; trên đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị còn 7 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi còn 24 xã chưa được cấp điện sinh hoạt trở lại. Các tỉnh: Quảng Bình, Bình Định, Kon Tum và thành phố Đà Nẵng vẫn còn 252 nhà ở do thiên tai gây hư hỏng, chưa sửa chữa xong…
Nhận định bão số 10 dù đã suy yếu nhưng cường độ của gió vẫn rất nguy hiểm cho các tàu thuyền hoạt động trên biển, vì vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết xử lý 19 tàu thuyền hoạt động trên vùng biển ven bờ các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định… không nghiêm túc thực hiện vào bờ.
Ông Nguyễn Văn Tiến cũng đề nghị, cùng với nhiệm vụ bảo đảm an toàn trên biển, các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các phương án ứng phó hoàn lưu bão gây mưa lũ, sạt lở đất; tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.