(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chú trọng triển khai nhiều dự án thoát nước; cải tạo hệ thống hạ tầng, nạo vét, làm sạch hồ nước để nâng cao hiệu quả thẩm thấu và điều hòa; nâng cấp trạm bơm, đập điều tiết; đồng thời chủ động các phương án ứng phó với úng ngập.
Nhờ đó, vào mùa mưa bão, thành phố đã giảm thiểu được các điểm úng ngập cục bộ.
Song, đến thời điểm hiện nay, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Trong năm 2020, thành phố mới giảm được 5/16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính khu vực nội thành. Dự báo, với các trận mưa có lưu lượng 50-100mm/2 giờ, toàn thành phố vẫn còn tồn tại 11 điểm úng ngập cục bộ. Ngoài ra, nhiều ngõ, ngách trong khu dân cư vẫn bị úng ngập khi xảy ra mưa lớn.
Làm thế nào để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng úng ngập trên địa bàn Thủ đô mỗi khi xảy ra mưa lớn vẫn là câu hỏi khiến các nhà quản lý trăn trở nhiều năm nay. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường, dự báo mùa mưa năm 2021 sẽ có những trận mưa lớn cực đoan, dồn dập trong thời gian ngắn có thể gây ra tình trạng úng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Do đó, để phòng, chống úng ngập không chỉ cho năm nay và các năm tiếp theo, cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp.
Trước mắt, cùng với việc duy trì thường xuyên kiểm tra, sửa chữa công trình đầu mối, trạm bơm thoát nước; nạo vét bùn tại hệ thống cống ngầm, mương, sông, hồ, đặc biệt là các trục tiêu thoát nước chính..., các sở, ngành, đơn vị cần chủ động phương án chống úng ngập; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị, nhân lực ứng trực 24/24 giờ nhằm kịp thời xử lý úng ngập khi mưa lớn xảy ra. Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, chỉnh trang, khắc phục sự cố hệ thống thoát nước.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, ngành chức năng trong công tác phối hợp xây dựng quy trình ứng phó với ngập lụt, tiêu thoát nước mưa trên toàn địa bàn. Đối với các khu vực cuối nguồn thoát nước, cần nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm các trạm bơm tiêu thoát nước cưỡng bức để sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi phát hiện có nguy cơ ngập lụt.
Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu lại tổng thể hệ thống thoát nước tầm nhìn 5 năm, 10 năm, 20 năm và lâu hơn nữa; trong đó, chú trọng cải thiện về năng lực vận hành của hệ thống thoát nước hiện có; kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước giữa các khu vực, bảo đảm liên thông với nhau... Để tăng cường khả năng chống ngập trong khu vực nội đô - nơi quỹ đất không còn nhiều, Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có bể chứa nước khi cần...
Về phía chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ công trình tiêu thoát nước của thành phố, nhất là khu vực thoát nước tự tiêu, tự chảy. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công trình tiêu thoát nước. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, không được bịt, chặn những họng thu nước trên đường phố; không xả rác, bùn đất, cát sỏi bừa bãi xuống hệ thống cống để dòng chảy luôn thông thoáng.
Chủ động triển khai các nhóm giải pháp, đồng thời sẵn sàng phương án ứng phó, tin rằng thành phố Hà Nội từng bước khắc phục và chấm dứt được tình trạng úng ngập mỗi khi mùa mưa đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.