(HNMO) - Khảo cổ học đô thị đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi di sản đô thị lại dễ bị hủy hoại; công tác bảo tồn và phát huy gặp nhiều trở ngại, hạn chế do sự phát triển của đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở… và Khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng đã và đang gặp những khó khăn như vậy.
Phát biểu tạiHội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” ngày 9-9, ông Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cho biết: Với kinh nghiệm triển khai, thực hiện ở nước nhà, ông có thể hỗ trợ kết nối các di tích lịch sử của Hà Nội và các khu di sản Vùng Ile-de-France về nhiệm vụ này, dựa trên việc xây dựng hợp tác trao đổi và hỗ trợ kỹ thuật, như sự hợp tác giữa thị trấn trung cổ Provins và Thành cổ Hà Nội hay hỗ trợ của Bộ Văn hóa Pháp trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nói tiếng Pháp đang làm việc tại các khu di tích lịch sử.
Cụ thể, cơ hội hợp tác có thể tập trung vào 4 nội dung, gồm: Hợp tác trong một dự án cụ thể như thiết kế đô thị đương đại nhằm bảo tồn và phát huy di sản; hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông và quảng bá; hỗ trợ xây dựng mạng lưới di sản tại Hà Nội và giữa các khu di sản của Hà Nội và của Vùng Ile-de-France; giới thiệu các kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị, nhà thiết kế cảnh quan… có chuyên môn cao đến làm việc tại các khu khảo cổ học lịch sử, như Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Một vấn đề khác ông nhận thấy chính là những hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong công tác bảo tồn, bảo tàng. Phía Ile-de-France sẵn sàng cung cấp những “gói” học bổng cho việc trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm ở công tác này, giúp việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản trong giai đoạn mới thêm nhiều kết quả tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.