(HNMCT) - Diễn viên được xem là gương mặt của sân khấu, họ chính là người tạo nên sức hấp dẫn với khán giả. Bởi vậy, thật thiếu sót nếu nói đến việc làm “cách mạng” đối với sân khấu mà không đề cập tới vấn đề đổi mới đội ngũ diễn viên.
Diễn viên - trung tâm của vở diễn
Nói về thời hoàng kim của sân khấu những năm 1980 trở về trước, không thể không nhắc tới lứa diễn viên “vang bóng một thời”, như: NSND Trọng Khôi, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh, NSND Hoàng Dũng, NSND Anh Tú, NSƯT Thanh Tú, NSND Thanh Trầm... Bà Thanh Tuyền (ở phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Thời đó, khán giả yêu mến diễn viên ngôi sao cũng không khác gì giới trẻ bây giờ. Xem băng rôn thấy vở có diễn viên mà mình yêu thích, chúng tôi mua vé cho bằng được dù phải xếp hàng dài”. Là diễn viên nổi tiếng bậc nhất của sân khấu chèo Thủ đô những năm tám mươi của thế kỷ trước, NSND Quốc Chiêm kể, thời đó, Đoàn chèo Hà Nội đi đâu cũng được khán giả chào đón rất nhiệt tình, thậm chí đời sống khó khăn như vậy mà có khán giả mang tặng ông cả chỉ vàng!
Đánh giá về vai trò của diễn viên, NSND Thanh Trầm cho rằng: "Họ là nhân vật trung tâm của vở diễn. Nhiều khán giả không nhớ tên vở diễn mà chỉ nhớ đến nhân vật và tên của diễn viên vào vai nhân vật đó”. Còn Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu đánh giá: “Nói đến nghệ thuật sân khấu là nói đến nghệ thuật biểu diễn của người diễn viên. Bởi lẽ, trên sân khấu, người diễn viên đóng vai trò trung tâm trong quá trình sáng tạo vở diễn. Họ không diễn tốt thì mọi sáng tạo của tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ... đều không được thể hiện sống động trên sân khấu”.
Nhưng, cùng với sự thoái trào của sân khấu, khán giả cũng nhạt dần với những gương mặt thân quen, và sân khấu không còn là mảnh đất màu mỡ để “tạo sao”. Ngược lại, vì nhiều nguyên nhân, đội ngũ diễn viên sân khấu hiện tại không còn đủ sức hấp dẫn để khiến khán giả phải đến rạp vì mình. “Nói đến nghệ thuật biểu diễn sân khấu là nói tới sự tài tình, sự tinh tế trong diễn xuất của diễn viên. Đó là lực lượng chính làm nên linh hồn của vở diễn. Song, nhìn vào diện mạo sân khấu nước nhà, không khỏi ngậm ngùi khi nhận ra sự thiếu hụt trầm trọng về đội ngũ diễn viên kế cận” - NSND Quốc Chiêm chia sẻ.
"Cái khó bó cái khôn"
Theo các chuyên gia sân khấu, lực lượng nghệ sĩ biểu diễn của sân khấu Thủ đô đang tồn tại nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu phân tích: “Trong cơ cấu của các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập hiện nay, diễn viên được phân làm hai nhóm. Nhóm nghệ sĩ có thâm niên trong nghề, được khán giả biết đến nhưng phai nhạt về nhan sắc, xuống sức về giọng ca, suy giảm về khả năng thể hiện hình tượng nhân vật, dần xa rời sàn diễn để làm công tác lãnh đạo, đào tạo. Thứ hai là nhóm nghệ sĩ trẻ, mặc dù được đào tạo chính quy nhưng đa phần đều còn yếu cả về trình độ chuyên môn lẫn kiến thức chính trị, xã hội. Họ không nắm vững kỹ thuật ca, diễn, vũ đạo, nhiều khi đạo diễn phải “cầm tay, bẻ ngón” hướng dẫn.
Mặt khác, công tác tuyển sinh, đào tạo cũng còn nhiều bất cập: Số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp diễn viên ngày càng ít dần; những người thực sự có tài năng hiếm như sao buổi sớm; giáo trình, tài liệu, trang thiết bị phục vụ học tập còn thiếu thốn; đội ngũ giảng viên dạy chuyên môn là những nghệ sĩ thực sự tài năng thì quá hiếm hoi; phương pháp truyền nghề theo vai mẫu thiếu khoa học, thiếu “chất lửa” nghề nghiệp, khiến học sinh hụt hẫng, khiếm khuyết về kiến thức và sinh ra những vai diễn “bản sao” của thầy.
Hơn nữa, đời sống của người nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Mức lương lâu nay vẫn áp dụng theo thang bậc dành cho ngạch công chức, viên chức, không thích hợp với lao động nghệ thuật. Việc xếp diễn viên vào ngạch viên chức biến nghệ sĩ thành những người làm công ăn lương, tạo nên sức ì lớn. Có vai diễn hay không, diễn tốt hay dở thì vẫn có lương và chế độ đều bình đẳng như nhau, điều đó khiến nghệ sĩ mất dần động lực sáng tạo, không thúc đẩy được sự cạnh tranh lành mạnh…”.
Không đam mê thì không làm được nghệ thuật, mà rõ ràng là cơ sở để nuôi dưỡng đam mê sân khấu hiện nay, như phân tích ở trên, đều rất khó khăn. Khi nghề chính không nuôi nổi mình, người diễn viên phải đi làm nghề phụ và “chân ngoài dài hơn chân trong”, mai một dần cả về đam mê cũng như tài năng. “Sự khác biệt giữa khát vọng làm nghề với thực tế biểu diễn đã đẩy các nghệ sĩ trẻ rơi vào trạng thái chán nản, nguội dần ngọn lửa tình yêu nghệ thuật và không đủ dũng khí để vươn lên. Điều này khiến các đoàn, nhà hát thêm khó khăn trong việc lôi kéo khán giả… Muốn sân khấu phát triển thì phải coi trọng vai trò của nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ tài năng. Để có được đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, tài năng, hấp dẫn khán giả, sân khấu rất cần có chính sách hợp lý trong việc phát hiện, thu hút, khuyến khích nghệ sĩ trẻ đến với nghề; có những giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo; có cơ chế đặc thù, hiệu quả, đủ để giữ chân tài năng trẻ, giúp họ tiếp tục bám nghề, giữ nghề, nhất là đối với sân khấu truyền thống trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay” - Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.