Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu và những khát khao đổi mới: Vấn đề mang tính sống còn

Mai Đình| 15/01/2023 06:30

(HNMCT) - Đổi mới hay là chết? Đó là câu hỏi liên quan tới vấn đề mang tính sống còn của sân khấu hiện nay, cần phải trả lời trong bối cảnh việc đổi mới của các nhà hát phần nhiều vẫn mang tính thử nghiệm, chỉ là những cuộc chơi riêng lẻ, chưa tạo được sức bật để thu hút khán giả.

Đạo diễn Bùi Như Lai:
Quan trọng là thông điệp phía sau vở diễn

Sân khấu thử nghiệm có nghĩa là sân khấu đó phải có gì mới, chuyển tải được nội dung gì trong đời sống hôm nay. Bên cạnh đó, tính thử nghiệm trong nhận thức của người đạo diễn phải đầy đủ, có tính bao quát. Cụ thể, sân khấu phải thể hiện được cách dàn dựng mới, cách trang trí mới, chuyển tải được những vấn đề mới, có cách tiếp cận mới đối với khán giả, làm sao để khán giả tiếp nhận được hình thức mới đó và cảm thấy hạnh phúc với điều đó. Nhưng bên cạnh đó, nội dung của tiêu chí thử nghiệm hướng đến cái gì? Theo cảm nhận của tôi, lâu nay sân khấu hướng tới việc giải quyết công việc sự vụ, tức là giải quyết theo vụ án này, mối quan hệ kia nhưng lại thiếu đi cốt lõi nhân văn trong một tác phẩm. Mỗi câu chuyện đều có sự sâu sắc riêng, nhưng nó chỉ dừng lại ở mức độ đóng lại sự kiện đó. Ví dụ, miêu tả một đôi yêu nhau thì khi kết thúc tác giả cho họ đến được với nhau. Nhưng giá trị của tình yêu đó không mang “hạt nhân” (giá trị) phổ biến, không tác động nhiều đến cộng đồng... 

Trên thực tế, sân khấu nước nhà đang có những dấu hiệu khởi sắc nhưng cá nhân tôi nhận thấy quá trình ấy hơi chậm. Nó đang cần một động lực tốt hơn nữa để người hưởng lợi là khán giả phải được tiếp cận nhiều hơn nữa, cảm thấy hạnh phúc khi đến nhà hát. Đó là mục tiêu mà sân khấu phải hướng đến.

Tư duy của các nghệ sĩ chúng ta vẫn chưa thay đổi, còn nghiêng về biểu diễn tại nhà hát. Bên cạnh đó, mọi người có thể thấy rằng, vở diễn của các bạn nước ngoài đâu quá cần hoành tráng. Điều họ hướng đến trong tác phẩm là giá trị cốt lõi của con người: Con người ứng xử với thiên nhiên, quan hệ giữa người với người, con người ứng xử với các mối quan hệ xung quanh mình..., để từ đó rút ra bài học nhân văn. Nhìn lại lịch sử của sân khấu nước nhà, chúng ta đã có những nhà văn, nhà viết kịch tên tuổi, như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ… Tại sao tác phẩm của họ lại có sức sống trường tồn như vậy? Bởi vì những giá trị mà họ hướng đến là những giá trị nhân văn, giải quyết vấn đề về con người, con người ấy gắn liền với thời đại… Vì thế, những tác phẩm ấy có sức sống đến bây giờ và tôi tin rằng 100 năm nữa nó vẫn còn nguyên giá trị.

Đạo diễn Trần Lực:
Thử nghiệm để vượt ra khỏi lối mòn

Ngôn ngữ sân khấu của chúng tôi là ngôn ngữ ước lệ, biểu hiện. Các vở diễn của Sân khấu Lực Team hiện nay đều mang tính thử nghiệm. Chúng tôi đã chọn “Antigone” để tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ V vì tôi thấy rằng, đây là vở diễn mang tính thử nghiệm cao nhất. Vở diễn này được viết cách đây hơn 2.500 năm, của nhà viết kịch Sophocles (Hy Lạp) - người đặt nền móng cho nền nghệ thuật sân khấu nhân loại. Với vở diễn thuộc dòng kịch cổ đại này, chúng tôi thử nghiệm bằng cách đưa nội dung câu chuyện phù hợp với khán giả thế kỷ XXI. Nếu như kịch truyền thống được gọi là kịch hiện thực tâm lý, thì với sân khấu thử nghiệm, chúng tôi đã chuyển sang ngôn ngữ ước lệ, biểu hiện. Chúng tôi phải làm lại kịch bản sao cho phù hợp với loại hình sân khấu của mình. Kịch bản nguyên gốc, nếu dàn dựng sẽ phải mất 4 - 5 tiếng. Trong khi đó, thời gian đẹp nhất dành cho khán giả hiện nay chỉ 60 - 70 phút mà thôi. Chúng tôi đã cô đọng vở diễn này trong 65 phút. Tại sao chúng tôi lại làm được điều đó? Cái hay của sân khấu ước lệ chính là ở chỗ đó. Thứ nhất, sân khấu ước lệ đề cao tính tối giản. Với kịch bản này, chúng tôi phải tìm cách kể câu chuyện rất ngắn gọn. Không chỉ ước lệ về không gian, thời gian, mà còn ước lệ trong nghệ thuật biểu diễn của diễn viên.

Tôi quan niệm sân khấu thử nghiệm là dòng sân khấu tác giả, đề cao tính cá nhân trong sáng tạo của đạo diễn, của biên kịch, của diễn viên, của nhạc sĩ, của âm thanh, ánh sáng… Những gì thành lối mòn thì đương nhiên không thể coi là thử nghiệm. Thử nghiệm phải tạo ra sự tranh luận, nhiều luồng ý kiến. Vở “Antigone” của chúng tôi gần như chống lại hình thức sân khấu truyền thống. Đó là cách kể chuyện, là nghệ thuật biểu diễn, là cách xử lý không gian, thời gian trên sân khấu… Tôi thấy rằng, sân khấu đương đại đang đề cao tính tối giản. Đó là không gian sân khấu không có gì cả nhưng phải làm cho khán giả hiểu được câu chuyện, các nhân vật đang như thế nào… Chính vì vậy, người ta mới nói rằng: “Diễn viên là những ông hoàng, bà chúa trên sân khấu”.

Đạo diễn Tom Corradini Teatro (đoàn nghệ thuật Italia tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ V tại Hà Nội):
Các vở kịch của Việt Nam có xu hướng “đóng”

Trong chuyến lưu diễn các nước châu Á lần này, tôi đã dàn dựng 2 vở kịch hình thể, trong đó chọn vở “Anh em nhà Leman” để tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ V. Câu chuyện mà vở kịch "Anh em nhà Leman" tái hiện là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 với hệ quả là nhiều người rơi vào cảnh khó khăn. Với loại kịch này, chúng tôi có thể diễn ở bất cứ nơi đâu. Tôi nghĩ rằng, đây là một tác phẩm sân khấu rõ tính thử nghiệm. Hiện nay, kịch đường phố đang phát triển ở các nước châu Âu. Kịch đường phố mà chúng tôi dàn dựng là sự kết hợp của kịch hình thể và kịch câm. Cùng với ngôn ngữ cơ thể, chúng tôi lồng ghép vào đó cốt truyện, tiếng động, âm nhạc để người xem có thể hiểu được. Riêng năm 2019, chúng tôi đã diễn hơn 1.000 show và có tiền để trang trải cuộc sống. Khi đến Việt Nam tham gia Liên hoan, tôi không có được quá nhiều tiền với show diễn, nhưng chúng ta không nên nghĩ nhiều về tiền mà nên nghĩ đến mục tiêu. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta hãy nghĩ về việc nên làm gì với sân khấu, và đó mới là điều quan trọng.

Tôi đã được xem khá nhiều kịch ở các nước châu Á. Với Việt Nam thì tôi mới xem được 2 vở thôi. Tôi nhận thấy các vở kịch của các bạn đều chú ý đến tính văn hóa. Nhưng tôi cũng cho rằng, dường như các vở kịch của Việt Nam có xu hướng “đóng”, tức là nói về mình nhiều hơn. Các vở diễn dường như tập trung dành cho khán giả Việt hơn là quốc tế. Còn chúng tôi lại đang hướng đến những vở kịch mà cả thế giới có thể xem được, hiểu được. Các bạn hoàn toàn có thể sử dụng yếu tố văn hóa ấy để quảng bá nhiều hơn ra thế giới. Chữ của Việt Nam rất dễ đọc, hơn nhiều so với Nhật Bản hay Trung Quốc. Đó cũng là điểm thuận lợi của các bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu và những khát khao đổi mới: Vấn đề mang tính sống còn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.