Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu và những khát khao đổi mới: Tiền đề tạo ra sức hút của tác phẩm

Nhà biên kịch Nguyễn Hiếu| 15/01/2023 06:11

(HNMCT) - Sân khấu là một loại hình sáng tạo nghệ thuật, do vậy, mỗi tác phẩm ra đời đều phải gắn với sự tìm tòi, đổi mới. Thủ pháp nghệ thuật luôn được đổi mới chính là tiền đề tạo ra sức hút của tác phẩm, thu hút người xem.

Vở “Thượng thiên Thánh Mẫu” là sự giao thoa giữa nghệ thuật xiếc và nghệ thuật cải lương.

Sân khấu “chết lâm sàng"

Cách đây chừng 5, 6 năm, sau khi cùng đoàn nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tham gia hội diễn và làm việc với đại diện sân khấu một số nước trên thế giới trở về, NSND Lê Huy Quang nhận định: “Sân khấu nước ta phát triển chậm hơn sân khấu thế giới chí ít hai thế kỷ”. Và, đúng với nhận định buồn của người nghệ sĩ đã có nửa thế kỷ cống hiến cho làng kịch nước ta, hơn ba thập niên qua, sân khấu Việt Nam đang lâm vào tình trạng suy thoái, như một nhà phê bình sân khấu có uy tín đã nói thẳng thì đó là tình trạng "chết lâm sàng".

Phía Bắc, các đoàn kịch, nhà hát quốc doanh dựng vở bằng tiền ngân sách, sau buổi tổng duyệt, lẹt đẹt diễn vài ba tối rồi “đắp chiếu”. Phía Nam vốn năng động nên để kéo khán giả đến, các đoàn kịch tư nhân - xã hội hóa liên tục thay đổi đề tài, từ kịch ma đến kịch đồng tính kịch quái dị… nhưng chỉ được vài năm là lại rơi vào cảnh đìu hiu. Đi tìm nguyên nhân dẫn tới sự quạnh quẽ của làng kịch trong cả nước, ngoài sự thiếu vắng các vở diễn mang hơi thở cuộc sống đương đại thì hình thức kịch của nước ta dường như quá cũ. Cũ từ khâu kịch bản, đạo diễn cho đến âm nhạc, phục trang, trang trí...

Hội Nghệ sĩ sân khấu nhìn thấy tình trạng này nên gần hai chục năm qua đã phối hợp cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn liên tiếp mở những liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm định kỳ 3 năm một lần với hy vọng học hỏi ít nhiều từ nghệ thuật thế giới, từ đó tạo sự thay đổi tích cực cho sân khấu nước ta, lấy lại sức hấp dẫn đối với khán giả, trở lại thời hoàng kim của sân khấu hơn 30 năm trước.

Vở "Sea Stories" của đoàn Ba Lan.

Học được gì?

Trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV và V, tôi có may mắn đều được tham dự với tư cách vừa là khán giả, vừa là người có tác phẩm dự thi. Liên hoan lần thứ IV - năm 2019, có 21 đoàn tham dự, trong đó có 14 đoàn trong nước và 7 đoàn quốc tế; Liên hoan lần thứ V vừa qua có 19 đoàn, trong đó có 15 đoàn trong nước và 4 đoàn nước ngoài.

Tại Liên hoan lần thứ IV, người viết bài này cũng như khán giả thực sự trầm trồ trước vở diễn “Bpolar” của Đoàn nghệ thuật Ayit - Israel đoạt Huy chương Vàng, và tán thưởng sự thử nghiệm, cách tân lớn thể hiện qua 3 vở diễn đoạt Huy chương Bạc: “Cánh đồng đẫm máu” của Hy Lạp, “Câu chuyện về bức tranh cổ” của Trung Quốc và nhất là vở diễn “Macbeth Mirror” của đoàn Ấn Độ. Kịch bản “Macbeth” của Shakespeare vốn đồ sộ, với nhiều nhân vật, nhiều tình tiết cũng như nhiều lớp lang phức tạp nhưng với cách dàn dựng đầy sáng tạo, cách tân và đúng là thử nghiệm, nên với 5 diễn viên nữ chỉ ngồi một chỗ với lời thoại cùng động tác hình thể mà họ đã diễn trọn vẹn vở với những thông điệp mang đầy tính thời sự.

4 vở diễn của 4 đoàn nghệ thuật quốc tế sang dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V đều có điểm nổi bật nhất là rất tôn trọng tiêu chí thử nghiệm. Hầu hết các vở diễn đều rất ít diễn viên, chỉ từ 2 - 3 người, như các vở “The Lehman Brothers” của Italia, vở “Sea Stories” của Ba Lan, vở “Then There Were None” của Hàn Quốc. Đạo cụ được tiết giảm, được cách điệu đến tận cùng. Cộng thêm là những kịch bản ngắn, có vở như vở của đoàn Ba Lan không có một lời thoại nào nhưng đã phản ảnh được một cách ước lệ sự phức tạp của cuộc sống hiện tại, như vấn đề chứng khoán, chiến tranh giữa các quốc gia, giá vàng tăng, ô nhiễm môi trường và hậu quả từ đó… Có điều, vở diễn của các đoàn sân khấu nước ngoài dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ V thiếu hẳn vẻ đồ sộ, hoành tráng như vở diễn “Cánh đồng đẫm máu” của Hy Lạp ở liên hoan kỳ trước.

Vở "Lời thề" của đoàn rối Hải Phòng.

Trong nước - thử nghiệm đến đâu?

4 huy chương vàng, 5 huy chương bạc tại Liên hoan lần thứ V được trao cho các đoàn của Việt Nam, vượt hẳn so với số giải thưởng mà chúng ta có được ở liên hoan kỳ trước. Nếu chỉ căn cứ vào số lượng huy chương vàng và bạc đã giành được, có vẻ sân khấu thử nghiệm của Việt Nam năm 2022 đã tiến bộ hơn trước, song, thực tế không hẳn như thế.

Xem vở diễn của 15 đơn vị sân khấu trong nước mới thấy sự hiểu về tiêu chí "thử nghiệm" chưa thật đồng đều. Có đơn vị mang đến Liên hoan vở diễn không có dấu vết của sự thử nghiệm nào. Mặt khác, mặc dù Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam từng có những trại viết riêng về kịch bản sân khấu thử nghiệm và không ít kịch bản được đánh giá cao về yếu tố thử nghiệm, nhưng tại Liên hoan, các kịch bản này đều không được sử dụng. Trong khi đó, người xem cũng như giới chuyên môn lại thấy quá nhiều kịch bản cũ được chọn dàn dựng, để rồi qua sự phù phép của đạo diễn với những mảng miếng cũng chẳng mấy đổi mới mà biến thành vở diễn thử nghiệm.

Tuy vậy, cũng có những tác phẩm thể hiện sự cố gắng đáng kể trong thử nghiệm. Người xem, giới chuyên môn thực sự bị cuốn hút trước vở “Giác” do một mình NSƯT Thanh Tú (Chi hội Thăng Long, Hội Sân khấu Hà Nội) đóng đủ 4 vai vợ, chồng, con gái, con trai trong vở diễn mang thông điệp sâu sắc - hãy tôn trọng sự bình yên của cuộc sống. Khán giả cũng thực sự bị cuốn hút với vở “Thượng thiên Thánh Mẫu” - thể hiện sự tìm tòi khả năng kết hợp giữa nghệ thuật xiếc và nghệ thuật cải lương, do Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện. Giới chuyên môn thực sự bị thuyết phục trước vở diễn “Đến bến bờ bên kia” do NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn, làm thức dậy kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp vốn thường được coi là kịch bản chỉ phù hợp cho dạng kịch đọc. Vở “Độc thoại đêm” của Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh thật đáng xem khi giống như vở “Giác”, cũng chỉ một diễn viên thể hiện mọi diễn biến của câu chuyện. Cách diễn một diễn viên trong toàn vở này thực sự là một thử nghiệm sáng tạo đáng ghi nhận nếu nó không lặp lại hình ảnh độc diễn sân khấu từng nổi tiếng trong vở diễn đã có từ hơn 10 năm trước - vở “Tâm sự Ngọc Hân” của nhà viết kịch gạo cội Lê Duy Hạnh.

Vở “The Painted Skin” của đoàn Singapore.

Cũng cần phải nhắc đến NSND Nguyễn Tiến Dũng. Trong liền hai Liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ IV và thứ V, NSND Nguyễn Tiến Dũng đoạt danh hiệu đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan. Lần thứ IV, bạn bè quốc tế, giới nghề và khán giả trong nước thực sự khâm phục những thủ pháp sáng tạo mang tính thử nghiệm của ông khi dựng vở “Thân phận nàng Kiều” - được trao Huy chương Vàng với hình tượng thằng bán tơ và đàn chim lợn tung hoành, tiêu biểu cho cái xấu trong xã hội. Tại Liên hoan lần thứ V, NSND Nguyễn Tiến Dũng lại đoạt Huy chương Vàng với vở rối “Bản tình ca trên núi” và Huy chương Bạc với vở rối “Lời thề” dựng cho Đoàn múa rối Hải Phòng. Ở “Bản tình ca trên núi”, Nguyễn Tiến Dũng đã huy động triệt để mọi thành tố của sân khấu, từ ánh sáng, âm nhạc, con rối, diễn viên, đạo cụ... để tạo nên hiệu quả của vở diễn. Còn ở vở rối “Lời thề” ngoài đưa chèo rất ngọt vào rối, Nguyễn Tiến Dũng còn tạo ra không gian ba tầng để kết hợp giữa con rối với diễn viên, qua đó mở rộng không gian kể câu chuyện dân gian từ thời Mạc Đăng Dung nhằm truyền thông điệp thời sự về chống tham nhũng.

Hà Nội và Hải Phòng được chọn đăng cai Liên hoan thử nghiệm vừa qua đều chứng kiến sự yêu kịch, chờ mong kịch nước nhà đổi mới của khán giả. Khán phòng đông kín khán giả, những tràng vỗ tay liên tiếp vang lên dành cho các mảng miếng thử nghiệm - tuy mới chỉ là hiện tượng trong khuôn khổ một liên hoan nhưng cũng là hy vọng, là sự động viên tích cực để các nghệ sĩ tiếp tục tìm tòi thử nghiệm, đổi mới sân khấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu và những khát khao đổi mới: Tiền đề tạo ra sức hút của tác phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.